Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đảm bảo điện cho tỉnh Hải Dương từ sau 2020

Ngành Điện dự kiến triển khai hàng trăm dự án từ trung, hạ áp tới 110kV để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2020 - 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - Lưu Văn Bản khẳng định ngành Điện đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh

Ông Lưu Văn Bản - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có buổi làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương, ngày 4/8 tại địa phương. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Trung Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương) cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2019, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 11,47%/năm. Ngành Điện đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân.

Tính riêng năm 2019, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 5,8 tỷ kWh, tăng 10,79% so với năm 2018. Trong đó, điện cho phụ tải công nghiệp chiếm khoảng 71,41%. 

Đến nay, tất cả 235 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ số hộ có điện trên địa bàn tỉnh cũng đạt 100%. PC Hải Dương thực hiện quản lý và bán lẻ đến tận hộ dân của 191/235 xã, còn 44 xã thuộc các tổ chức kinh doanh điện khác.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 17 trạm biến áp (TBA) và 39 máy biến áp 110kV với tổng công suất là 1.715MVA. Tỷ lệ mang tải của các TBA 110kV vào khoảng 60-70%. Để đảm bảo cấp điện cho tỉnh Hải Dương trong giai đoạn 2020 – 2023, EVN/EVNNPC đang triển khai đầu tư 21 công trình lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng. Đối với lưới điện trung/hạ áp, EVNNPC dự kiến thực hiện 288 công trình, với tổng giá trị 1.650 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình lưới điện khác theo định hướng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh sẽ được đầu tư phù hợp với nhu cầu tăng trưởng phụ tải của địa phương.

Ông Lê Quang Thái – Phó Tổng giám đốc EVNNPC đã kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các khách hàng sử dụng điện tại các khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để xây dựng TBA và hành lang tuyến đường dây 110kV. Đối với khách hàng là các phụ tải chuyên dùng có công suất lớn từ 20MW trở lên, phải tự đầu tư và xây dựng TBA 110kV chuyên dùng. 

Lãnh đạo EVNNPC cũng kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các sở ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thống nhất thời gian trích khấu hao, tính giá trị tài sản và bàn giao dứt điểm lưới điện hạ áp nông thôn của 44 xã cho PC Hải Dương quản lý bán điện.

Khu công nghiệp Đại An (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) được ngành Điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản khẳng định EVN và các đơn vị của Tập đoàn tại địa phương đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. 

Về bố trí quỹ đất cho dự án điện tại các khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương hoàn toàn nhất trí với kiến nghị của ngành Điện, để tạo điều kiện đầu tư xây dựng lưới điện nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các sở, ngành trong tỉnh giám sát việc bán điện cho người dân tại 44 xã chưa bàn giao cho ngành Điện quản lý, để người dân được sử dụng điện với chất lượng tốt và giá cả đúng quy định của Nhà nước. Tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức cuộc họp với EVNNPC, PC Hải Dương, các sở, ngành trong tỉnh và mời đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tham gia để tháo gỡ vướng mắc trong công tác bàn giao lưới điện, do còn nhiều tồn tại chưa giải quyết được trong thời gian qua. 


  • 05/08/2020 05:00
  • Đinh Liên
  • 4297