Đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi

Với bờ biển dài hơn 3.000km, diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 cùng nhiều vùng gió có vận tốc và thời lượng tốt, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi.

 

Bên cạnh bài toán năng lượng, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ Âu, Mỹ...

Bên cạnh đó, chúng ta có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng dầu khí, góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của ngành dầu khí cùng các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển...

TS. Đinh Văn Nguyên

Chi phí lưu trữ và truyền tải điện giảm

TS. Đinh Văn Nguyên, Trưởng dự án phát triển năng lượng ngoài khơi toàn quốc của Cộng hòa Ireland, cho rằng với mô hình điện gió ngoài khơi, ưu điểm đầu tiên và lớn nhất là gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, thường phù hợp với nhu cầu điện. Vì vậy, chi phí cho lưu trữ và truyền tải điện gió ngoài khơi sẽ giảm thiểu hơn, đồng thời điện sa thải cũng thấp hơn. Điều này đã làm giảm khó khăn lớn nhất trong phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là điện nền (thường phải dùng điện khí, điện than, hoặc một phần thủy điện). Thứ hai, gió ngoài khơi ổn định hơn và hệ số công suất cao hơn, có thể đạt 40 - 50% (ở Việt Nam), làm giảm chi phí sản xuất điện, tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu...

Về mặt kỹ thuật xây dựng và môi trường, điện gió ngoài khơi cũng cạnh tranh hơn các loại điện khác. Cụ thể, việc vận chuyển, lắp dựng các tua bin lớn (giảm chi phí sản xuất điện quy dẫn) dễ dàng bằng tàu/sà lan. Những tua bin lớn như 9 MW có cánh dài 80m, 12 MW có cánh dài 107m, việc vận chuyển trên đất liền gần như là bất khả thi, nhưng sẽ dễ dàng trên biển. Tương tự về mặt môi trường, phát thải CO2 của điện gió ngoài khơi là thấp nhất trong các dạng năng lượng, chỉ 16g CO2/kWhe). Trong khi thủy điện là 28g CO2/kWhe, hạt nhân 33g CO2/kWhe, điện khí gas 450g CO2/kWhe, và điện than 1.050g CO2/kWhe. Thêm vào đó, mô hình điện gió ngoài khơi hầu như không gây ảnh hưởng đến đời sống con người bởi tiếng ồn trong quá trình lắp dựng, vận hành, cản trở tầm nhìn, nhất là điện gió ngoài khơi hiện đại thường cách bờ trên 10km.

Hấp dẫn hơn EU và Bắc Mỹ

TS. Nguyễn Duy Khiêm, chuyên gia năng lượng của Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định), cho biết bản thân từng nghiên cứu loại hình năng lượng này. Thời điểm đó, suất đầu tư ngoài khơi cao hơn đất liền một chút, nhưng về mặt kỹ thuật đo đếm, tốc độ gió trung bình ở trên các vùng biển Việt Nam rất thuận lợi.

Mô hình điện gió (gần bờ) ở Bạc Liêu

Hiện Chính phủ cũng có giá điện cho loại hình năng lượng này, việc truyền tải điện cũng không quá phức tạp và các nước cũng đã làm nhiều. Vì thế, đây là mô hình hiệu quả và khả thi đặc biệt với điều kiện đất đai ở Việt Nam có giới hạn, việc tận dụng mô hình điện gió ngoài khơi sẽ tối đa hóa tài nguyên với dải bờ biển dài từ bắc tới nam.

“Theo tôi được biết, các ngành chức năng đang soạn thảo Quy hoạch điện VIII (thay thế Quy hoạch điện VII, đã điều chỉnh). Theo quy hoạch mới này, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn được đưa lên tới 30%. Để năng lượng tái tạo phát triển đúng tỷ lệ đó thì phải đồng loạt đẩy mạnh phát triển tất cả các loại hình, trong đó điện gió ngoài khơi là một phần rất quan trọng. Đầu tiên phải xác định hướng chiến lược như vậy và sau đó có những cơ chế chính sách đi kèm”, TS. Nguyễn Duy Khiêm đề xuất.

TS. Đinh Văn Nguyên nhận định: Trong tương lai, khi công nghiệp điện gió ngoài khơi cùng chuỗi sản xuất, lắp dựng, vận hành và bảo dưỡng đã phát triển thì điện gió ngoài khơi ở Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn các vùng có khí hậu lạnh như EU, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Bởi ở vùng biển Việt Nam tình trạng sóng và thời tiết tốt hơn nên giá thành kết cấu móng, trụ sẽ thấp hơn, các tua bin, cánh quạt sẽ có tuổi thọ cao hơn và chi phí cho lắp dựng và bảo dưỡng sẽ tốt hơn. Thêm vào đó, điện gió trên biển ở Việt Nam không có thời gian cánh quạt bị đóng băng (icing time) nên giúp tiết kiệm chi phí và tối đa hóa thời gian vận hành.

Mặc dù vậy, TS. Nguyên cũng lưu ý với điều kiện gió và địa hình biển ở Việt Nam, các trang trại gió (wind farm) cách bờ trên 20km sẽ có lợi về kinh tế hơn so với ven bờ. Chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa tua bin, cáp trên biển lớn hơn nhiều so với trên đất liền nên để giảm thiểu các chi phí này, ngay từ giai đoạn lập dự án cần lưu ý dùng tua bin tốt, có uy tín và tránh tất cả các nhà sản xuất Trung Quốc (có số lượng bán ra nhiều nhưng chủ yếu là ở thị trường Trung Quốc, chưa có uy tín trên thế giới). Xây dựng trang trại gió lớn (500 MW trở lên) để có thể tạo thành chuỗi dịch vụ nhằm giảm chi phí bảo dưỡng.


  • 27/03/2019 02:16
  • Nguồn: Báo Thanh Niên
  • 48075