Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp, khách hàng đến từ 27 tỉnh/thành phố ở miền Bắc.
Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là quốc sách
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và giai đoạn 2022-2025 là 10,36%. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Điện trong việc đảm bảo cung cấp điện, vận hành ổn định, an toàn và liên tục hệ thống điện quốc gia, nhất là trong những thời điểm thời tiết cực đoan. Vì vậy, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, khẳng định tiết kiệm điện đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
|
“Hội nghị đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện của EVNNPC là dịp để Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, cơ quan, ngành Điện và các khách hàng sử dụng điện cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp để triển khai thực hiện các giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm trong thời gian tới, nhằm đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong triển khai các chương trình, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong thời gian tới”, ông Trịnh Quốc Vũ cho hay.
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam đã được luật hóa bởi các Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Điện lực; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Anh Chức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cam kết sẽ đồng hành cùng ngành Điện và các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện tại địa phương
|
Cũng theo ông Võ Quang Lâm, việc tiết kiệm điện sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho chính các doanh nghiệp, gia đình cũng như đất nước. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam có 2.961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện bình quân/năm là 72 tỷ kWh, chiếm 33% tổng tiêu thụ điện năng toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ hằng năm, bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh (tương đương khoảng 2.700 tỷ đồng). Cùng với đó, 28 triệu hộ gia đình trên cả nước mỗi năm tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc (năm 2021 là 76,7 tỷ kWh). Nếu 28 triệu hộ gia đình tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ, thì mỗi năm cả nước có thể tiết kiệm được 767 triệu kWh (tương đương 1.428 tỷ đồng).
Địa phương, doanh nghiệp cam kết đồng hành
Theo ông Nguyễn Anh Chức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh có 10 cam kết với các chủ đầu tư, trong đó cam kết về điện là tiêu chí đầu tiên trong chính sách thu hút đầu tư. Trong những năm qua, với chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Nam đã hình thành 8 khu công nghiệp, thu hút 1.077 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt 4.836 triệu USD và 148.204 tỷ đồng. Để có được thành quả này, tỉnh Hà Nam đánh giá cao đóng góp quan trọng của EVN, EVNNPC và PC Hà Nam trong việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. Đặc biệt, ngành Điện cũng đã tích cực phối hợp với địa phương đẩy mạnh chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trên diện rộng.
Theo ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả, sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn
|
Ông Nguyễn Anh Chức cho biết: “Là một địa phương đang tập trung phát triển công nghiệp, nhu cầu sử dụng điện trong hiện tại và thời gian tới là rất cao. Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giảm áp lực cho công suất phụ tải đỉnh giờ cao điểm, tỉnh Hà Nam mong rằng các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay với ngành Điện, có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Tỉnh Hà Nam cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nói chung và chương trình quản lý nhu cầu, điều chỉnh phụ tải nói riêng".
Bà Phạm Thị Thúy Nhuận – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt Hà Nam chia sẻ, là doanh nghiệp sử dụng điện lớn, với gần 200 tỷ đồng tiền điện mỗi năm, Dệt Hà Nam hiểu được tầm quan trọng của điện trong sản xuất. Chính vì vậy, những năm qua, công ty luôn phối hợp tốt với ngành Điện thực hiện tiết kiệm điện cũng như tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Có những thời điểm công ty đã tham gia điều chỉnh tiết giảm đến 6,5MW. Công ty TNHH Dệt Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và đồng hành cùng ngành Điện trong chương trình DR thời gian tới.
Lãnh đạo EVN và EVNNPC tặng quà tri ân cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào tiết kiệm điện và DR
|
Thời gian qua, với sự đồng hành của khách hàng sử dụng điện, hàng năm, sản lượng tiết kiệm điện của EVNNPC đã đạt bình quân từ 1,5% đến 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đặc biệt, kể từ năm 2019 đến nay, số lượng doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ từ 1 - 3 triệu kWh/năm tự nguyện tham gia chương trình DR ngày càng tăng. Nếu như năm 2019 mới có 2.440 khách hàng tham gia, thì năm 2021 đã tăng lên 3.225 khách hàng.
Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), trong 5 năm qua, EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất cả nước. Kết thúc năm 2021, điện thương phẩm toàn EVNNPC đạt 81,8 tỷ kWh, tăng trưởng 9,31%, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong cả nước và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cũng tính riêng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 song nhiều tỉnh/thành của miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải rất cao như Thanh Hóa – 13,59%, Hải Phòng – 15,8%, Hưng Yên – 11,3%, Vĩnh Phúc – 11,25%, Lào Kai – 13,9%, Bắc Giang – 10,17%,…
Bước sang năm 2022, khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự kiến nhu cầu cung cấp điện của khách hàng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, sẽ có nhiều khó khăn và thách thức trong việc cung cấp đầy đủ nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của địa phương. Chính vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVNNPC rất mong tiếp tục nhận dược sự đồng hành, chia sẻ của đông đảo khách hàng sử dụng điện.
Nguyễn Thủy
Share