Điện gió ngoài khơi vịnh Bắc Bộ: Tiềm năng lớn cần được khơi thông

Đó là nhận định của bà Cao Thị Thu Yến - chuyên gia năng lượng tái tạo và môi trường, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (EVNPECC 1) khi trao đổi với trang tin evn.com.vn về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở phía Bắc.

Bà Cao Thị Thu Yến - chuyên gia năng lượng tái tạo và môi trường, EVNPECC 1

PV: Thưa bà, mới đây EVN có đề xuất với Chính phủ tạo cơ chế để phát triển khoảng 5.000MW nguồn năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Theo bà, lý do của đề xuất này là gì?

Bà Cao Thị Thu Yến: Nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng, trong khi các nguồn năng lượng truyền thống trong lãnh thổ Việt Nam đã gần đạt tới ngưỡng phát triển. Hiện, Quy hoạch điện 8 đã rõ nét về định hướng phát triển tổng thể, dài hạn và theo xu thế toàn cầu về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT). Tối ưu hóa cung cầu và cân bằng nội vùng, nội miền cũng được ưu tiên trong bản quy hoạch này.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng mạnh, trong khi Việt Nam dừng phát triển nhiệt điện than mới và có biến động lớn trên thế giới về nguồn cung, giá các loại năng lượng hóa thạch. Vì vậy, xu thế phát triển NLTT với mục đích đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt cho miền Bắc trong thời gian tới sẽ là tất yếu. Tuy nhiên, NLTT cũng là nguồn giới hạn về mặt chiếm dụng tài nguyên (đất, biển) đồng thời đang có sự chuyển dịch nhanh về công nghệ và giảm suất đầu tư, nên kế hoạch triển khai trong ngắn hạn/ trung hạn cần được cân nhắc kỹ lưỡng và đồng bộ.

Việc EVN phát triển nguồn NLTT, đặc biệt là đi đầu triển khai điện gió ngoài khơi sẽ vừa phù hợp về chuyên môn kỹ thuật, vừa sẽ định hướng về đầu tư đồng thời bảo đảm lợi ích và chủ quyền quốc gia ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Đây cũng là một hướng đi mới cho EVN trong việc thích ứng với bối cảnh nguồn tài chính cho năng lượng hóa thạch ngày càng giảm và là bước chuyển đổi của EVN theo mục tiêu trung hòa carbon của Chính phủ vào năm 2050.

PV: Bà có thể phân tích rõ hơn về tiềm năng về phát triển điện gió ở vịnh Bắc Bộ nước ta?

Bà Cao Thị Thu Yến: Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức gồm cả EVNPECC 1, tiềm năng gió ở vịnh Bắc Bộ, kể cả tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, được đánh giá là khá tốt, phù hợp phát triển điện gió ngoài khơi. Ở độ cao 100m, tốc độ gió khu vực này đạt trung bình khoảng 7,5- 8,5 m/s. Theo cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA), tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi ở khu vực này khoảng 18GW khi tính đến các tiêu chí loại trừ.

Hiện nay đã có một số tỉnh ven biển phía Bắc trình đề xuất phát triển nguồn điện gió ngoài khơi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, tuy nhiên mức độ nghiên cứu còn khá nhiều khác biệt. Để có thể đánh giá chính xác hơn cần có một nghiên cứu tổng thể cho khu vực Vịnh Bắc Bộ với các thông số trên cùng một mặt bằng so sánh.

PV: Để phát triển nguồn NLTT này ở vịnh Bắc Bộ, cần phải tháo gỡ những khó khăn gì, thưa bà?

Bà Cao Thị Thu Yến: Để phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam cần phải vượt khá nhiều thách thức liên quan đến trình độ kỹ thuật, hài hòa lợi ích và giá thành.

Về quản lý không gian biển, các khu vực biển khai thác điện gió ngoài khơi được xác định trên cơ sở đánh giá kỹ thuật, môi trường xã hội. Quan trọng hơn nguồn điện gió ngoài khơi nằm trên khu vực biển vịnh Bắc Bộ liên quan đến an ninh quốc phòng và các mục đích khai thác/sử dụng biển khác như thủy sản, du lịch hay hàng hải cũng như nhu cầu bảo tồn thiên nhiên...

Đối với các khu vực biển được phân vùng nhạy cảm, phải được chỉ định thầu/ đấu thầu hạn chế, để tập đoàn nhà nước quản lý và khai thác nhằm đảm bảo các lợi ích quốc gia về an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Về quy hoạch điện, một kế hoạch đồng bộ và tổng thể cấp vùng/tỉnh về nguồn cấp điện và truyền tải điện kèm thời gian huy động cụ thể sẽ tiết kiệm sử dụng nguồn lực và tài nguyên. Một cơ quan cấp quốc gia tổ chức đánh giá sơ bộ sẽ tránh lãng phí, chồng chéo và khách quan khi tham vấn các bên liên quan.

Về tài chính và quản lý dự án, suất đầu tư điện gió ngoài khơi hiện đang giảm nhanh theo thời gian và phụ thuộc vào quy mô dự án, loại hình công nghệ, tài nguyên khu vực biển và ven biển. Tổng mức đầu tư cho một dự án có công suất 1.000MW điện gió ngoài khơi móng cố định ở Việt Nam được ước tính là 3,15 tỷ USD và được dự báo giảm còn 2,15 tỷ USD vào năm 2030. Một doanh nghiệp lớn có uy tín như EVN sẽ có khả năng huy động được nguồn lực trong và ngoài nước với các chi phí đầu tư tài chính hợp lý. EVN cũng có các ban quản lý dự án giàu kinh nghiệm quản lý các dự án điện phức tạp có công suất hàng nghìn MW.

Về kỹ thuật, điện gió ngoài khơi là loại hình nguồn mới, phức tạp về công nghệ và việc thi công phụ thuộc vào thời tiết. EVN có các đơn vị tư vấn có đầy đủ năng lực hỗ trợ lập quy hoạch và tư vấn đầu tư/thiết kế cũng như tư vấn quản lý dự án cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi .

Trước mắt, tiềm năng điện gió ngoài khơi cần sớm được một tập đoàn nhà nước của Việt Nam như EVN chủ trì đánh giá tổng thể và đi đầu triển khai thực hiện, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu cấp bách là cấp điện và làm tiền đề cho hoàn thiện chính sách.

Điện  gió ngoài khơi (Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

PV: Nhiều chuyên gia lo ngại nếu phát triển nhanh và mạnh nguồn NLTT ở khu vực vịnh Bắc Bộ thì chúng ta có thể sẽ đối mặt với khó khăn về vấn đề truyền tải điện. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Cao Thị Thu Yến: Phát triển nguồn điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở vịnh Bắc Bộ cần sự chuẩn bị tốt về đấu nối vào bờ và hệ thống truyền tải trên đất liền. Một số giải pháp quy hoạch chi tiết/kế hoạch cần thiết cho giai đoạn trung hạn/ngắn hạn như: Kế hoạch triển khai nguồn điện gió ngoài khơi ngay từ sớm cần phải đồng bộ với phương án xây dựng hệ thống đấu nối đưa điện vào bờ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc tạo hệ thống kết nối lưới chung cho nhiều dự án điện gió ngoài khơi vào bờ sẽ có chi phí tối ưu hơn về hệ thống điện. Ngoài ra điều này còn giảm thiểu được các tác động về môi trường xã hội so với việc nối lưới phân tán cho từng dự án vào bờ.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích áp dụng phát triển nguồn NLTT phân tán trên đất liền cho các vùng đặc thù. Tiêu chí phân vùng căn cứ theo tính cấp bách của nhu cầu, tiềm năng nguồn điện hoặc mức độ khó khăn truyền tải điện. 

Kế hoạch phát triển nguồn NLTT, lưới điện và lưu trữ năng lượng như định hướng trong Quy hoạch điện 8 cần được lập và cụ thể hóa cho từng khu vực. EVNPECC 1 có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho EVN, các tỉnh cũng như các chủ đầu tư ngoài EVN trong việc đưa ra các giải pháp đấu nối và giải tỏa công suất phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!


  • 04/05/2022 10:00
  • Đinh Liên (thực hiện)
  • 15514