Điện làm đổi thay bản làng biên giới Sơn La

Điện lưới về biên giới đã làm thỏa ước nguyện ngàn đời của bà con các dân tộc thiểu số. Có điện, người dân thêm ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát đói nghèo, thôi sống du canh du cư, phá rừng làm rẫy.

“Như người mù được sáng mắt”

Nằm khuất sâu giữa đồi núi trập trùng và cánh rừng nguyên sinh dọc biên giới Việt - Lào, bản Nà Ròn (Mường Cai, Sông Mã, Sơn La) đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Tiếp xúc với ánh sáng văn minh, trình độ dân trí nâng cao, người dân không trồng thuốc phiện, không vượt biên trái phép, xóa được đói giảm được nghèo. Mường Cai cách thành phố Sơn La hơn 140 km.

Con đường mòn vào bản đèo dốc uốn lượn, bụi mịt mù, các tảng “đá mồ côi” (loại đá nằm lẫn trong đất đồi, khi mưa xuống gây ra sạt lở - PV) chực chờ đổ sụp. Bên trên con đường, nương ngô vừa thu hoạch trơ lại thân cây khô quắt. Phía dưới, dòng sông Mã cuồn cuộn chảy qua các tảng đá trơ trọi. Thi thoảng xuất hiện cầu treo ọp ẹp bắc qua sông.

Đang cặm cụi cầm chổi quét sân, thấy khách lạ đến bản, cụ Lường Thị Ối (84 tuổi) móm mém cười mời khách lên nhà uống nước. Cụ Ối với tay bật đèn sáng, cháu trai 6 tuổi chăm chú xem chương trình dành cho thiếu nhi trên chiếc ti vi nhỏ.

Trẻ em Nà Ròn được học tập dưới ánh đèn. Ảnh: Quỳnh Nga

Không giấu được niềm vui, cụ Ối khoe: “Giờ có điện rồi thích lắm, vui lắm. Cả đời mình không bao giờ dám mơ sẽ có điện thắp sáng thế này. Có điện về như người mù được sáng mắt, được xem ti vi biết thêm nhiều điều”. 

Cạnh nhà cụ Ối, gia đình chị Hoàng Thị Ngọc (29 tuổi, dân tộc Thái) gần như giàu nhất bản. Trong căn nhà nhỏ, chị đặt chiếc tủ gỗ bán bánh kẹo, mắm muối...

Ở góc nhà, hai chiếc tủ lạnh chứa đầy kem, nước ngọt phục vụ cho bà con trong bản. Ti vi, loa, đầu đĩa đầy đủ. Một chiếc bàn học của các con đặt giữa nhà, sách vở, đèn học đầy đủ trên mặt bàn. Vợ chồng chị Ngọc còn mua thêm máy bơm nước, máy xát gạo.

“Trước kia dùng điện từ tua-bin nước khổ lắm, chỉ đủ thắp bóng đèn chừng hơn 1 tiếng buổi tối. Lúc khô cạn hay mùa lũ về đều không có điện vì tua-bin vướng rác không quay được. Nhiều khi đang ăn cơm phải lọ mọ ra vớt rác để tua-bin quay tiếp. Có điện sáng làm gì cũng tiện hơn, con cái học bài đỡ khổ nhiều”, chị Ngọc hớn hở khoe.

Bản làng đổi thay

Bản Nà Ròn có gần 70 gia đình, sống quây quần ven sông. Trong đó có 2 nhà vay vốn ngân hàng mua máy xát gạo, xay ngô cho bà con trong bản. Trên mỗi nhà sàn đều có chảo thu kỹ thuật số. Nhập nhoạng tối, từ rẫy trở về, cả bản rộn tiếng ti vi, đài phát thanh. Ánh điện bật sáng khắp bản làng. Sau giờ ăn tối, học sinh ngồi vào bàn học dưới ánh điện sáng trưng. 

Trước đây, bẻ ngô trên nương về, bà con bán hết vì để nuôi lợn, phải chở vài chục cây số ra trung tâm huyện mới có máy xay nghiền, xay bằng tay thì cả ngày trời chưa xong. Từ ngày có máy xay xát về bản, ngô thu hoạch về được đồng bào chất đầy trên các kho, vừa để dành nuôi lợn gà, vừa chờ được giá sẽ bán, không sợ bị ép giá. 

Tập quán chăn nuôi lợn, gà đã đổi mới, người dân không nhốt lợn gà dưới gầm nhà sàn, bẩn thỉu, hôi thối như trước. Những chuồng lợn gà tách riêng, tránh xa nhà ở, giữ vệ sinh. Dưới gầm nhà sàn, sân vườn được quét dọn sạch sẽ. Trên mỗi nếp nhà sàn, máy bơm đưa nước về từng chum đựng sẵn, không phải gồng gánh từng thùng nước nhỏ. 

Ông Sồng Páo Nênh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Mường Cai hồ hởi: “Tôi làm Bí thư đã 20 năm. Chưa lúc nào tôi dám mơ ánh điện sẽ về đến bản. Nay giấc mơ thành hiện thực rồi, vui lắm”.

Theo ông Nênh, từ năm 2006 về trước, xã Mường Cai là địa danh trồng cây thuốc phiện lớn nhất huyện Sông Mã. Nay trở thành xã 4 không: không trồng cần sa, không người nghiện ma túy, không tệ nạn xã hội và không có người vượt biên trái phép.

Cuộc sống của đồng bào giờ đổi thay rất nhiều. Có ti vi, bà con xem các chương trình nên nghe nói thông thạo tiếng kinh, hiểu biết nhiều nên không bị kẻ xấu xúi giục. Ngày lễ, tết bà con bật nhạc hát múa tưng bừng. 

Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, đưa điện lưới về bản giáp biên giới là bước đột phá trong kết cấu hạ tầng nhằm xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

“Khi có điện, cuộc sống ổn định, đồng bào không du canh, du cư, phát rừng làm nương rẫy. Công tác tuyên truyền pháp luật cho bà con thuận lợi hơn. Xem ti vi nhiều, trình độ dân trí nâng cao, người dân không bị các thế lực thù địch kích động, gây rối; an ninh quốc phòng được đảm bảo”, ông Hải nói.


  • 06/01/2015 07:46
  • Theo Báo Tiền phong
  • 3530


Gửi nhận xét