Điện mặt trời "chạy đua" hưởng ưu đãi
13:53, 23/04/2019
Hiện nay, nhiều dự án điện mặt trời đang chạy đua để hoàn thành đóng điện, vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, nhằm hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Đại diện Công ty CP Thủy điện Miền Trung cho biết, đơn vị phải tranh thủ hoàn thành trước thời điểm 30/6/2019 để hưởng cơ chế giá 9,35 US cent/kWh theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành hồi tháng 4/2017. Có thời điểm, Công ty phải huy động thêm lao động phổ thông tại địa phương vào làm việc, số lao động tại công trường lên đến trên 800 người.
Nhờ đó ngày 20/4, Nhà máy Điện mặt trời Cư Jút (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), trực thuộc Công ty CP Thủy điện Miền Trung chính thức phát điện thương mại. Thời gian vận hành thương mại sớm hơn 2 tháng so với dự kiến. Dự án được triển khai từ tháng 6/2017, có tổng vốn đầu tư 1.367 tỉ đồng với công suất 50 MW, lượng điện bình quân gần 95 triệu kWh/năm, doanh thu ước đạt 200 tỉ đồng/năm.
Trước đó, vào đầu tháng 3, tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), cụm công trình Nhà máy điện mặt trời Srê-pốc 1 và Quang Minh là dự án đầu tiên ở Tây nguyên được đưa vào hòa mạng lưới điện quốc gia. Dự án có công suất 100 MW, được xây dựng trên diện tích đất 120 ha với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỉ đồng.
Theo dự thảo mới, sau thời điểm 30/6/2019, giá điện mặt trời có thể chỉ còn 6,67 US cent/KWh (đối với mô hình dự án điện mặt trời trên mặt đất). Chính vì vậy, nhiều dự án đang chạy đua với thời gian để được đóng điện trước thời điểm trên. Trong số này có thể kể đến như dự án Tổ hợp điện mặt trời và điện gió của Tập đoàn Trung Nam tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) dự kiến khánh thành và đưa vào vận hành chính thức từ ngày 27/4/2019. Tập đoàn này cũng dự kiến khánh thành thêm một dự án khác tại Trà Vinh vào cuối tháng 6 tới dù mới được khởi công vào đầu năm nay.
"Hiện chúng tôi đang đẩy nhanh tiến tộ để kịp hoàn thành trước 30/6 vì nếu không sẽ không được hưởng cơ chế giá ưu đãi, đồng nghĩa mất khoảng hơn 30% doanh thu nếu tính theo dự thảo giá mới" - đại diện của Tập đoàn Trung Nam giải thích.
Cùng chạy đua với thời gian còn phải kể đến dự án điện mặt trời tại hồ thủy điện Dầu Tiếng (Tây Ninh) mà theo chủ đầu tư, đây là dự án điện mặt trời lớn nhất châu Á. Dự án được xây dựng trên phần bán ngập nước hồ Dầu Tiếng, công suất 420 MW, sản lượng điện dự kiến lên đến 1,56 tỉ kWh/năm.
Theo Thanh niên
Share