Điện về "đánh thức" bản làng vùng cao Thanh Hoá

Với quyết tâm đưa điện đến những vùng khó khăn để phục vụ sự phát triển chung của tỉnh, Công ty Điện lực Thanh Hoá đã phối hợp với các ngành vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Nhờ có điện, kinh tế, đời sống người dân vùng cao Thanh Hóa đang ngày càng khởi sắc.

Bền bỉ “đưa điện miền núi tiến kịp miền xuôi”

Những năm qua, bên cạnh mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, các công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã và đang tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các bên liên quan đưa điện về các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên thực tế, tại các xã vùng biên giới, vùng cao, bà con sống không tập trung và ở những vùng có địa hình hiểm trở, phức tạp. Có những khu vực, kéo đường dây điện hàng trăm km, nhưng chỉ cung cấp điện cho một số ít hộ dân. Do đó, việc đầu tư lưới điện ở khu vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thi công kéo dài. Bên cạnh đó, sản lượng điện tiêu thụ ở những khu vực này cũng rất thấp. Vì vậy, khi đầu tư điện cho khu vực nông thôn, miền núi, EVNNPC xác định không thể đo đếm lợi nhuận, hiệu quả kinh tế mà phải đặt ý nghĩa chính trị - xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng làm mục tiêu. 

PC Thanh Hoá đã hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% số xã, với 99,85% hộ dân được sử dụng điện

Chia sẻ về hành trình mang “ánh sáng” về với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hoá, ông Nghiêm Đình Sơn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, những năm qua, Công ty Điện lực Thanh Hoá không ngừng mở rộng phạm vi cấp điện. PC Thanh Hoá xác định rõ, việc đưa điện về các xã vùng cao, đồng bào miền núi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Đảng, Chính phủ giao phó, qua đó góp phần tích cực cải thiện đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Với những nỗ lực đó, sau nhiều năm thực hiện Dự án cấp điện cho các thôn, bản vùng cao chưa có điện của tỉnh, đến nay, PC Thanh Hoá đã hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia tới 100% số xã, với 99,85% hộ dân được sử dụng điện.

Điện về "đánh thức" bản xa

Quay ngược lại nhiều năm trước, bản Bút là một vùng khó khăn của xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Các hộ dân bản Bút phải sống chung với cảnh “khát điện”. Những ngôi nhà nằm lưng chừng núi quanh năm bao trùm trong bóng tối. Do chưa có điện sinh hoạt nên mọi công việc chủ yếu được làm tranh thủ vào ban ngày, ban đêm phải dùng đèn dầu hoặc đèn pin thắp sáng. Cuộc sống của các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn do không được tiếp cận thông tin liên lạc, không được xem ti vi, không có phương tiện để phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, sự kiện đưa điện lưới quốc gia về bản Bút không chỉ biến ước mơ nhiều năm của người dân nơi đây thành hiện thực, mà còn là “bàn đạp” giúp bản Bút có bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. 

Có điện lưới quốc gia, người dân bản Bút đã có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Đặc biệt, xã Nam Xuân đã lựa chọn các hộ gia đình đồng bào ở bản làm thí điểm dịch vụ du lịch cộng đồng, vừa quảng bá du lịch địa phương, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Chị Hà Thị Tuôn – chủ homestay tại bản Bút chia sẻ: “Trong hoạt động kinh doanh homestay của chúng tôi thì điện là thứ không thể thiếu. Từ những thiết bị thông dụng như quạt, đèn chiếu sáng, tivi,… cho đến những hoạt động giao lưu văn hoá thì đều cần dùng đến điện. Nhờ nguồn điện ổn định mà trong những năm qua, việc kinh doanh của gia đình tôi cũng như các hộ dân khác đều thuận lợi phát triển, kinh tế cũng được cải thiện rất nhiều”.

Nhờ ánh điện sáng, các hộ dân tại bản Bút đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc

Bà Phạm Thị Nhị - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết: “Có điện lưới quốc gia về với xã Nam Xuân nói chung và bản Bút nói riêng là “đòn bẩy” vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống cho bà con nhân dân. Đặc biệt, từ khi có điện lưới quốc gia, xã Nam Xuân mạnh dạn phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Người dân đã cảm nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như ngành Điện đối với các vùng nông thôn miền núi thông qua những chủ trương, chính sách vô cùng thiết thực”.

Không chỉ đưa điện lưới đến thôn bản, ngành Điện "xứ Thanh" còn thường xuyên giúp bà con kiểm tra hệ thống lưới điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn

Cũng từng là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Quan Hoá, đến nay, bản Bước (xã Thành Sơn) đã khoác lên mình một diện mạo mới kể từ ngày Công ty Điện lực Thanh Hóa đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ người dân.

Gần 40 tuổi mới được hưởng niềm vui được sử dụng điện lưới, chị Vi Thị Hóa (người dân bản Bước) hào hứng chia sẻ: “Kể từ khi có điện lưới quốc gia, bà con chúng tôi đã học được nhiều phương pháp trồng trọt, chăn nuôi và sử dụng máy móc vào sản xuất thông qua tivi, điện thoại."

Thời điểm chưa có điện, tỷ lệ hộ nghèo ở bản Bước là 60%, khi có điện rồi, số hộ nghèo của bản giảm dần, hiện chỉ còn 39%. Ông Nguyễn Đức Dũng - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, việc bao phủ điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn bản trên địa bàn huyện là sự nỗ lực rất lớn đến từ toàn thể hệ thống chính cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành, đặc biệt là ngành Điện.

Công tác “xoá” vùng trắng điện lưới quốc gia vẫn còn nhiều gian nan trước mắt. Thế nhưng, chứng kiến những sự thay đổi tích cực của các bản làng vùng cao, công ty điện lực “xứ Thanh” lại có thêm động lực, niềm tin đưa dòng điện thông suốt đến với bà con vùng khó.


  • 06/09/2023 06:32
  • H.Linh
  • 4997