Đoàn giám sát còn có các phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ môi trường, các trưởng/phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng.
Cùng dự buổi làm việc có đại diện Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN, ông Cao Quang Quỳnh – Thành viên HĐTV EVN, cùng các phó tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các ban chuyên môn của EVN và các đơn vị trực thuộc.
Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV làm việc với EVN về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15. Ảnh: HT
|
Triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Năm 2022, EVN đã bám sát nhu cầu phụ tải, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điện thương phẩm toàn EVN năm 2022 đạt 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, vận hành hiệu quả các nhà máy thuộc EVN. Trong đó, đã huy động tối đa các nhà máy thủy điện (chi phí thấp); điều phối các hợp đồng mua than cho các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao.
Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối điện toàn EVN năm 2022 là 6,25%, đạt kế hoạch năm và giảm 0,02% so với năm 2021. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình/một khách hàng) giảm còn 267,1 phút, giảm 16,3% so với năm 2021.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng, EVN đã thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các dự án giữa nguồn và lưới điện, giữa lưới điện truyền tải và phân phối để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. 100% các dự án đầu tư trong năm 2022 đã được các đơn vị theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả đầu tư dự án trước, trong và sau khi hoàn thành theo Luật Đầu tư công, quy chế đầu tư xây dựng và các quy định khác.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: HT
|
Tập đoàn đã thực hiện nhiều biện pháp trong công tác quản lý, sử dụng lao động để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động; cải tiến công tác kinh doanh điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, giảm nhân lực và chi phí thu tiền điện. Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm Hành chính công và Cổng Dịch vụ công các tỉnh/thành phố. Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 92,7%, cao hơn gần 10% so với năm 2021. Các thủ tục, thời gian cấp điện cho khách hàng mới tiếp tục được rút ngắn. Năm 2022, toàn EVN thực hiện cấp điện qua lưới điện trung áp cho 10.854 khách hàng với thời gian bình quân là 2,79 ngày.
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao
Tập đoàn Điện lực Việt Nam bước vào năm 2023 với tình hình tài chính vô cùng khó khăn; giá nhiên liệu vẫn ở mức cao trong khi giá bán điện bình quân giữ nguyên từ năm 2019, dẫn đến dòng tiền và khả năng thanh toán của EVN đều suy giảm. Trong bối cảnh đó, EVN xác định chủ đề năm 2023 là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của EVN năm 2023 đã bám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN, cũng như định hướng theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 74.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân giải đáp các ý kiến của đoàn giám sát. Ảnh: HT
|
Tại buổi làm việc, đại diện EVN nêu nhiều kiến nghị tới đoàn giám sát Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV và mong muốn được đoàn giám sát có ý kiến trước Quốc hội và các cơ quan chức năng, sớm tháo gỡ cho EVN để Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao.
Tại buổi giám sát, các thành viên của đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, EVN đóng vai trò “mạch máu” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. EVN và các đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa rất cao.
Kết luận tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, EVN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, qua đó đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước những khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách mà EVN đang gặp phải, đoàn công tác đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc giám sát thêm các cơ quan khác nhằm tháo gỡ vướng mắc cho EVN.
Đoàn giám sát cũng đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong chức năng nhiệm vụ của mình cần chung sức giải quyết ngay các kiến nghị để EVN tháo gỡ vướng mắc, nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Xuân Tiến
Share