Doanh nghiệp chế biến gạo Đồng Tháp tiết kiệm điện lên đến 20%

Chế biến gạo là một trong những ngành công nghiệp quan trọng đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Đồng Tháp, nhưng đây cũng ngành tiêu tốn điện năng rất lớn.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 230 doanh nghiệp xay xát và lau bóng gạo. Trong đó, tập trung chủ yếu ở ven kênh Xáng Lấp Vò thuộc các địa phương phía Nam sông Tiền như: TP. Sa Đéc, huyện Lấp Vò, huyện Lai Vung.

Với năng lực chế biến gạo của các doanh nghiệp khoảng hơn 3 triệu tấn/năm, sản lượng điện tiêu thụ để phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng năm lên đến 250 triệu kWh, chiếm hơn 20% sản lượng điện lĩnh vực công nghiệp và hơn 10% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Chính vì vậy, việc giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm điện năng trong ngành chế biến lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Doanh nghiệp chế biến gạo Đồng Tháp tiết kiệm điện lên đến 20%

Hưởng ứng chủ trương thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều nhà máy có quy mô sản xuất lớn về chế biến gạo đã mạnh dạn thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến. Đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm năng lượng vào trong sản xuất, qua đó giúp tiết kiệm điện năng sử dụng, giúp giảm chi phí sản xuất.

Điển hình như nhà máy chế biến gạo Phú An (thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc) - huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng thiết bị biến tần vào trong dây chuyền sản xuất, cũng như lập kế hoạch, bố trí sản xuất theo ca, tránh giờ sản xuất cao điểm… Qua đó, giúp nhà máy giảm lượng điện tiêu hao trong quá trình sản xuất.

“Với công suất xay xát 30 tấn lúa/giờ, lượng điện phải mua để phục vụ sản xuất, nhất là những lúc cao điểm mùa vụ rất lớn. Song, nhờ bố trí ca sản xuất thấp điểm, tránh cao điểm, nhất là ứng dụng công nghệ biến tần trong sản xuất… giúp nhà máy tiết kiệm điện hàng năm khoảng 15 -20% (tương đương tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng/năm), từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất” - ông Đào Lữ Trung Nghĩa - Phụ trách Nhà máy chế biến gạo Phú An chia sẻ.

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Ngọc Đông III - huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (doanh nghiệp xay xát gạo) cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Cụ thể, công ty tắt giảm những cụm thiết bị hoạt động không cần thiết, sản xuất giờ thấp điểm, gắn thêm biến tần cho dây chuyền sản xuất. Do đó, hàng năm công ty tiết kiệm điện được khoảng 15% so với trước, qua đó giảm chí phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Bùi Văn Minh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp - cho biết: Hoạt động sử dụng năng lương tiết kiệm, hiệu quả được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ năm 2008 đến nay. “Từ các nội dung thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Bộ Công Thương triển khai, Trung tâm đã xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho ngành chế biến gạo tỉnh Đồng Tháp và xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho ngành chế biến gạo” - ông Bùi Văn Minh thông tin.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, sản lượng điện tiết kiệm toàn tỉnh Đồng Tháp đạt 66 triệu kWh, tương đương 2,36% sản lượng điện thương phẩm (sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt hơn 2,8 tỷ kWh). Trong đó, lĩnh vực doanh nghiệp sản xuất tiến kiệm nhiều nhất đạt 41,5 triệu kWh chiếm gần 63% tổng sản lượng tiết kiệm của Đồng Tháp.

Link gốc


  • 24/07/2023 03:04
  • Theo Báo Công Thương
  • 3442