Ông Phạm Văn Quyết, Phó giám đốc Công ty Thủy sản Năm sao (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình): Dịch chuyển phụ tải giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất
Qua trao đổi thông tin với ngành Điện, Công ty Thủy sản Năm sao đã có nhiều hành động cụ thể để triển khai việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giảm tiêu thụ, cắt phụ tải đỉnh giờ cao điểm, cụ thể: Quán triệt tới toàn bộ CBCNV, người lao động về tinh thần và trách nhiệm phải tiết kiệm điện, tránh lãng phí khi sử dụng điện với những hành động rất cụ thể mà mỗi người đều có thể thực hiện như: Tắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng, đặt điều hòa từ 26 độ trở lên, tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế dùng đèn ban ngày… Cùng với đó, Công ty đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị công nghệ mới, giảm được mức tiêu hao điện trong sản xuất kinh doanh; thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng đèn led.
Căn cứ thông tin tình hình cung ứng điện, Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hạn chế sản xuất trong giờ cao điểm, bố trí dịch chuyển nhiều phần việc sang các khung giờ khác; tránh việc vận hành đồng thời tất cả máy móc vào một thời điểm; phân bổ các dây chuyền, thiết bị luân phiên hoạt động. Đặc biệt, thực hiện cam kết với Điện lực thực hiện điều chỉnh giảm phụ tải điện từ 19:30 - 23:00 hằng ngày, Công ty đã tính toán để giảm mức vận hành hoặc dừng hoạt động một số kho lạnh mà không gây ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Thực tế, cũng nhờ dịch chuyển khung giờ sản xuất mà Công ty cắt giảm được chi phí tiền điện giá cao trong giờ cao điểm, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Trịnh Thế Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn: Mong muốn sớm có cơ chế khuyến khích đối với doanh nghiệp tham gia DR
Năm 2023, sản lượng điện tiêu thụ của Tập đoàn VAS Nghi Sơn là hơn 832 triệu kWh. Là doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện lớn, điện năng chiếm tỉ trọng cao trong giá thành sản phẩm, chúng tôi nhận thức được việc tiết kiệm điện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phải khẳng định rằng, thực hiện tiết kiệm điện trước hết chính là tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. Chính vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp cùng Công ty Điện lực Thanh Hoá thực hiện các giải pháp đồng bộ về quản lý và kỹ thuật để sử dụng điện tiết kiệm.
Một giải pháp hữu hiệu mà Công ty đã triển khai đó là chủ động điều chỉnh phụ tải ở các dây chuyền sản xuất. Cụ thể, trong thời gian nấu luyện thép, các hệ thống phụ trợ như động cơ quạt, trạm bơm nước, máy nén khí,… sẽ được tắt sớm và khởi động trễ hơn để tiết kiệm chi phí điện năng, cũng như chống quá tải vào thời gian cao điểm.
Bên cạnh đó, vào mùa nắng nóng cao điểm, Công ty cũng làm việc trực tiếp với Công ty Điện lực Thanh Hoá để xây dựng kế hoạch sử dụng điện và phương án điều tiết công suất; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện để tránh hao tổn điện năng; hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải; lắp đặt điện mặt trời mái nhà,…
Thông qua việc tham gia các chương trình DR, dịch chuyển giờ sản xuất, cũng như hình thành thói quen tiết kiệm điện cho người lao động, chi phí tiền điện của công ty đã giảm 10 - 15% so với trước đây.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng thuận và tích cực tham gia chương trình DR cũng như các giải pháp sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang tham gia DR với tinh thần tự nguyện và chưa có cơ chế khuyến khích thiết thực. Trên khía cạnh doanh nghiệp, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét và sớm ban hành các cơ chế khuyến khích tài chính để các doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia DR hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Chất - Phó giám đốc Nhà máy thuộc Công ty TNHH Công nghiệp CREDIT UP VIỆT NAM: Dịch chuyển, điều chỉnh phụ tải điện là “mũi tên” trúng nhiều đích
Nhà máy đang đặt tại Khu Công nghiệp Nội Bài (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Trong thời gian qua, Công ty luôn phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động, nhằm nâng cao ý thức về việc sử dụng điện tiết kiệm và đưa nội dung tiết kiệm điện vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, làm căn cứ để xét khen thưởng theo tháng, quý, hàng năm.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện cải tiến hệ thống trang thiết bị, hợp lý hóa công tác vận hành. Khi cải tiến hệ thống nén khí, chúng tôi đã tiết kiệm được 633.600 kWh/năm, đồng thời cải tiến hệ thống chiếu sáng toàn nhà máy, thay thế toàn bộ bóng cao áp, huỳnh quang công suất lớn hiệu suất chiếu sáng thấp sang sử dụng bóng đèn LED công suất thấp nhưng hiệu suất chiếu sáng cao giúp tiết kiệm được 113.448 kWh/năm.
Ngoài ra, thực hiện Thông tư số 23/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện, Công ty chúng tôi đã tích cực phối hợp với Công ty Điện lực Sóc Sơn điều chỉnh phụ tải điện với tổng công suất là 2,6MW.
Năm 2024, khi EVN có chủ trương về dịch chuyển phụ tải giờ cao điểm, chúng tôi đã cùng với Công ty Điện lực Sóc Sơn tính toán để đưa ra mức tiết giảm, dịch chuyển phụ tải hợp lý với công suất dịch chuyển 0,5MW. Đây là những hoạt động mang lại cùng lúc nhiều lợi ích, làm giảm áp lực đầu tư nguồn, áp lực tăng giá điện… Với khách hàng, việc này giúp tiết kiệm chi phí, giảm số lần mất điện đột ngột khi hệ thống quá tải; tăng tính chủ động trong quản lý và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Công ty chúng tôi sẽ luôn tích cực phối hợp với Công ty Điện lực Sóc Sơn nói riêng, EVNHANOI nói chung về việc giảm tải, dịch chuyển phụ tải tại những thời điểm cao điểm mùa nắng nóng năm 2024 với mục tiêu đồng hành cùng EVN đảm an toàn cung cấp điện.
Ông Đặng Quốc Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico): Áp dụng công nghệ thông minh tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng đô thị
Hapulico là đơn vị đang quản lý, vận hành, duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng (CSCC) trên địa bàn các quận, huyện của Thành phố Hà Nội với quy mô trên 2.500 tủ điều khiển CS, với gần 230.000 bộ đèn tương ứng công suất khoảng 30MW, chi phí điện năng cho CSCC hàng năm khoảng 180 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND TP Hà Nội về việc “Tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025", ngay từ đầu năm 2024, Công ty đã chủ động báo cáo Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý Hạ tầng đô thị Thành phố cho phép thực hiện một số giải pháp nhằm tiết kiệm điện năng như: (1) vận hành hệ thống CSCC trên địa bàn thành phố theo phương thức 3 chế độ chiếu sáng; (2) thay đổi giờ đóng cắt theo mùa và điều khiển linh hoạt đóng cắt Hệ thống CSCC theo tình hình thời tiết; (3) thay đổi phương thức thực chế độ đóng cắt kết hợp thay thế dần đèn LED trên địa bàn thành phố... Nhờ đó, trong 5 tháng đầu năm 2024, điện năng tiêu thụ đã tiết giảm được 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà 25 kWp tại tòa nhà trụ sở chính của Công ty, trung bình tiết kiệm gần 25% chi phí điện năng mỗi tháng. Thời gian tới, Công ty dự kiến sẽ đầu tư hệ thống này cho Nhà máy Sản xuất công nghiệp với quy mô 4ha tại Chương Mỹ (Hà Nội). Hapulico cũng đã hoàn thành đưa vào hoạt động ứng dụng di động HAPULICO-Smart giúp cho việc kết nối giữa Công ty với mọi người dân đang thụ hưởng dịch vụ CSCC, các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ đô thị phường xã và chính quyền các địa phương được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch hơn.
Nhờ sự hỗ trợ từ phía Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) ứng dụng này đã được chia sẻ kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của EVNHANOI cho 550 mã khách hàng (tương ứng 2.274 điểm đo) của Hapulico với các Công ty Điện lực thành viên.
Bằng nhiều giải pháp khác nhau, trong những năm vừa qua mặc dù quy mô lưới CSCC liên tục tăng trưởng, song chi phí điện năng cho CSCC trên địa bàn thành phố có xu hướng ngày càng giảm, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp và đồng hành với ngành Điện để triển khai mạnh mẽ, thường xuyên việc sử dụng điện năng cho CSCC một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.