TS. Lê Xuân Thịnh
|
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may Việt Nam?
TS. Lê Xuân Thịnh: Ngành Dệt may đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến nay, sản phẩm của ngành Dệt may đã xuất khẩu sang 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng thị trường EU, chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia.
Các doanh nghiệp, tiêu biểu là các thương hiệu quốc gia của dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.
PV: Theo ông, có thể áp dụng những giải pháp nào để thực hành tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may?
TS. Lê Xuân Thịnh: Tôi cho rằng, về chính sách, cần xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho ngành Dệt may, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đổi mới công nghệ. Kiểm toán năng lượng cũng là một bước tiếp theo để giúp doanh nghiệp nhìn ra vấn đề của mình để xác định mức đầu tư cho tiết kiệm điện, nước, than…
Trên thực tế, tiêu thụ năng lượng của ngành Dệt may chủ yếu do việc vận hành các thiết bị như: lò hơi và hệ thống hơi, hệ thống chiếu sáng, máy may và các máy chuyên dụng, hệ thống nước và máy nén khí. Do đó, khi doanh nghiệp tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng.
Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 2 triệu mét vải/ năm, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50.000kWh điện, 60 tấn than. Nhưng khi cải tạo hệ thống lò hơi, lắp thêm bộ tụ bù cho các máy dệt, quản lý phụ tải thì lượng điện tiêu thụ có thể giảm xuống còn 30.000-33.000 kWh/tháng.
Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp; tổ chức các triển lãm về công nghệ xanh cho ngành Dệt may gắn với mục tiêu xuất khẩu.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng…bên cạnh thực hiện quy trình quản trị doanh nghiệp tinh gọn.
Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.
Một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).
Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.
Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU. Nguồn ảnh: congthuong.vn
|
PV: Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sản xuất như thế nào, thưa ông?
TS. Lê Xuân Thịnh: Để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, theo tôi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xem là giấy thông hành của hàng hóa xuất nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.
Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu. Cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp phát triển xuất khẩu bền vững hơn.
PV: Vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất xanh cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, thưa ông?
TS. Lê Xuân Thịnh: Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…
Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!