Doanh nghiệp phát triển bền vững: Vì sao họ thành công?

Dường như có 1 "dòng" doanh nghiệp (DN) "miễn nhiễm" với những biến động như: khủng hoảng kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt là dịch Covid-19…

Với những DN này, gần như họ có "nguồn lực vô hạn", liên tục tăng vốn từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay số vốn của họ đã lên đến hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD. Có thể dẫn ra một vài doanh nghiệp điển hình trong số đó: Công ty CP Sữa Vietnam (Vinamilk), Công ty CP FPT, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty CP Dược Hậu Giang, Công ty CP Chứng khoán SSI, Công ty CP chứng khoán TP.HCM (HSC)…

Vậy họ đã làm như thế nào? Vì sao họ thành công? Và vì sao họ phát triển bền vững?

1. Xây dựng chiến lược

DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh "khả thi", tập trung xây dựng ngành cốt lõi của công ty.

Theo đó, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh phải gắn kết với xu thế phát triển của thế giới. Cụ thể, phải gắn kết với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; Xu thế tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Xu thế đại học khởi nghiệp.

Và điều quan trọng nhất là DN phải tập trung xây dựng ngành cốt lõi của mình.

2. Quản trị hiện đại

Thực hiện quản trị DN hiện đại theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đồng thời niêm yết sớm doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Các công ty thành công nói trên đều thực hiện nghiêm ngặt, công khai minh bạch thông tin, thực hiện kiểm toán 6 tháng, hằng năm. Đặc biệt, đây đều là các DN niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó DN tạo dựng được lòng tin nơi nhà đầu tư nên luôn huy động vốn thành công (trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp hầu hết ít sử dụng vốn vay ngân hàng), phục vụ kịp thời cho phát triển sản xuất kinh doanh ngày càng tăng.

3. Trách nhiệm xã hội

Thực hiện chiến lược kinh doanh phát triển bền vững thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) xuyên suốt trong toàn bộ chiến lược kinh doanh của mình.

Phát triển bền vững đã trở thành "từ khóa" nổi bật của ngành sữa trên thế giới. Không nằm ngoài xu hướng này, ngành sữa Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phát triển bền vững, hướng đến một Việt Nam khỏe mạnh.

Vinamilk - DN tiên phong hưởng ứng mục tiêu đầy thách thức theo cam kết của Chính Phủ tại COP26 với chương trình hành động "Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050". Vinamilk cũng là đơn vị đầu tiên tham gia ủng hộ sáng kiến Pathways to Dairy Net Zero của ngành sữa thế giới, công bố lộ trình tiến đến Net Zero vào 2050 và đồng thời thực hiện dự án "Cánh rừng Net Zero Vinamilk".

Chưa đầy một năm từ khi công bố lộ trình, Vinamilk đã có 3 đơn vị đạt chứng nhận Net Zero theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 và cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt Net Zero theo tiêu chuẩn này. Tất cả các nỗ lực này nằm trong lộ trình xanh mà Vinamilk đã và đang đẩy mạnh để thực hiện các cam kết về phát triển bền vững cũng như sứ mệnh "chăm sóc" cốt lõi trong gần 50 năm qua.

4. Luôn luôn đổi mới sáng tạo

Thành công của các DN này có được là nhờ sự lao động sáng tạo miệt mài của ban điều hành doanh nghiệp. Trong số đó, DN ít nhất cũng phải hơn 15 năm; nhiều doanh nghiệp phải trên 20 năm lao động sáng tạo. Quan trọng hơn hết là vững vàng vượt qua những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, những bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.

Đổi mới và sáng tạo phải là phương châm và là tiêu chí hàng đầu cho mọi hoạt động của DN. Do vậy, ở hầu hết các doanh nghiệp nêu trên, bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) thường được doanh nghiệp chú trọng đầu tư đúng mức.

5. Sử dụng vốn cẩn trọng, hợp lý

Điểm chung của các DN phát triển bền vững này là dường như họ có "nguồn lực vô hạn" bằng cách liên tục tìm kiếm, huy động nguồn lực bên ngoài để tăng vốn và tìm cách khai thác, sử dụng có hiệu quả những đồng vốn này.

Từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu, đến nay có công ty đã có số vốn lên đến hàng trăm triệu USD, thậm chí lên đến hàng tỷ USD. Với việc vận dụng những chiến lược đầu tư, kinh doanh khôn ngoan, họ bắt đồng tiền "đẻ" ra tiền. Họ sử dụng nguồn vốn "mạnh" để thay đổi máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, để đầu tư cho sáng tạo mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất với năng suất tối ưu và cạnh tranh, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh...

"Nguồn lực vô hạn" từ đa dạng hóa mọi nguồn vốn

Nhiều DN thời gian qua gặp khó khăn do tập trung sử dụng vốn vay ngân hàng vượt quá sức mình. DN chỉ tập trung làm sao được ngân hàng cho vay, không có kế hoạch chi tiết trả lãi, trả "vốn vay" ngân hàng bằng cách nào, trong thời gian bao lâu, do đó DN thường xuyên phải đối mặt với áp lực đáo hạn.

Tỷ lệ vay vốn ngân hàng an toàn hiện nay là nếu DN có 1 đồng vốn thì chỉ nên vay ngân hàng nửa đồng, còn lại sử dụng các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, nhiều DN vay ngân hàng gấp nhiều lần vốn tự có (có đơn vị vay gấp 10 lần), hậu quả là DN "túng quẫn" triền miên.

DN hiện có thể sử dụng nguồn vốn cho kinh doanh từ nhiều kênh khác với chi phí thấp hơn, như từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu và từ hợp tác đầu tư.

Thực tế những DN phát triển bền vững thời gian qua đã chứng minh: để có "nguồn lực vô hạn", cần thành lập công ty cổ phần, niêm yết cổ phiếu sớm trên thị trường chứng khoán, kể cả niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Để có thể niêm yết sớm trên thị trường chứng khoán, DN buộc phải hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; công khai, minh bạch thông tin. Và sau khi đã niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán, sức ép của đại hội cổ đông, của thị trường (các nhà đầu tư) thúc đẩy DN, đổi mới hình thức quản trị DN, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh; đổi mới công nghệ, công khai, minh bạch tài chính.

Nhờ đó, DN huy động vốn kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh theo từng giai đoạn phát triển, từng giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán cũng luôn luôn có thanh khoản, giữ được giá trị và khi cần, DN luôn huy động vốn thành công phục vụ dự án phát triển sản xuất, phát triển kinh doanh.

Sự cạnh tranh quyết liệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi mỗi công ty phải có vốn lớn và trường vốn. Công ty được coi là phát triển mạnh và tốt thì phải đi kèm là nguồn vốn phải ổn định, tài chính minh bạch và lành mạnh.

Link gốc


  • 16/07/2024 08:59
  • Theo doanhnhansaigon.vn
  • 4068