Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn chủ trì.
Tham dự tọa đàm còn có Thành viên HĐTV EVN Cao Quang Quỳnh; Chánh Văn phòng Đảng ủy EVN Lương Bá Thanh; đại diện các ban chuyên môn của EVN; lãnh đạo, cán bộ làm công tác pháp chế tại các đơn vị thành viên thuộc EVN.
Đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế là cấp thiết
Theo Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn đã hoạt động ổn định. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác pháp chế từng bước được nâng cao, đảm bảo về mặt tổ chức. Mặc dù vậy, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam, sự hội nhập quốc tế, hoạt động của EVN cũng như các đơn vị sẽ ngày càng phong phú, đa dạng, phát sinh những vấn đề, vụ việc mới với độ phức tạp ngày càng cao.
Ngoài ra, quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực thường xuyên thay đổi, quá trình xây dựng và hoàn thiện thị trường điện Việt Nam cũng đặt hoạt động của EVN và các đơn vị trong tình hình mới, cần giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp hơn, dẫn đến khối lượng công việc có liên quan đến công tác pháp chế ngày càng tăng tại EVN và tất cả các đơn vị thành viên.
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn chủ trì tọa đàm
|
"Việc đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, chú trọng đẩy mạnh công tác tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật là cần thiết để đảm bảo nâng cao hơn nữa chất lượng, đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động của Tập đoàn là yêu cầu có tính cấp thiết” - Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, lãnh đạo các đơn vị, cán bộ làm công tác pháp chế trong EVN đã tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp để đảm bảo huy động tối đa nguồn lực, đổi mới, chuyên nghiệp hóa trong mọi mặt công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn; đồng thời rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cụ thể, Ban Pháp chế EVN gửi tới các đại biểu tham dự tọa đàm thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước, quy định và thực tiễn; Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) tham luận về “Công tác tư vấn pháp luật của tổ chức pháp chế đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVNGENCO1, thực trạng và giải pháp đổi mới, chuyên nghiệp hóa”; Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng đưa ra “Giải pháp đa dạng hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại EVNCPC, kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc”...
Trưởng ban Pháp chế EVN Nguyễn Minh Khoa chia sẻ tại tọa đàm các thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước
|
Các tham luận, ý kiến không chỉ khẳng định tính cấp thiết của việc đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế mà còn đề xuất nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu này như: đầu tư vào nguồn nhân sự, tăng cường đào tạo, cải thiện quy trình phối hợp giữa các bộ phận, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của pháp lý trong hoạt động kinh doanh, qua đó giúp đội ngũ pháp chế hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của EVN...
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đề xuất việc chú trọng xây dựng rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng chức năng, nhiệm vụ pháp chế khác với công việc thực hiện trên thực tế, tạo hành lang, cơ chế để nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế; hay đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng các chương trình, phần mềm đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động SXKD của đơn vị nói chung, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói riêng để công tác này đạt hiệu quả tốt nhất...
Hỗ trợ, chia sẻ nguồn lực, nhân lực công tác pháp chế
Theo Trưởng ban Pháp chế EVN Nguyễn Minh Khoa, tính đến hết năm 2023, EVN có 498 cán bộ pháp chế, trong đó số lượng nhân sự chuyên trách là 295 người (tỷ lệ 59,2%). Theo Đề án nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động pháp chế trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (Đề án), đến năm 2025 phấn đấu trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đạt 75% người làm công tác pháp chế chuyên trách; số người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật trở lên đạt 80%, trong đó tất cả lãnh đạo bộ phận pháp chế đều có bằng cử nhân luật; thực hiện đào tạo pháp luật ngắn hạn cho 100% nhân sự pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật nhưng có trình độ đại học chuyên ngành khác. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đề án đã đề ra, việc xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn lực, nhân lực trong công tác pháp chế là vô cùng cần thiết.
Các đại biểu tham dự tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội.
|
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, tọa đàm đã nêu rõ tất cả các vấn đề còn vướng mắc có liên quan đến công tác pháp chế, nhận thức được các nội dung cần phải thay đổi, cần phải điều chỉnh để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác pháp chế, đổi mới, chuyên nghiệp hóa từng mặt hoạt động của công tác pháp chế trong thời gian tới.
Đối với từng nội dung cụ thể, Tổng giám đốc EVN cũng đã có chỉ đạo, định hướng trong quá trình tọa đàm để các đơn vị triển khai. Ngoài ra, Tổng giám đốc EVN đề nghị Ban Pháp chế phối hợp với các ban chuyên môn của EVN và các đơn vị thành viên triển khai Nghị định 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính Phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/7/2024.
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
|
Bên cạnh đó, căn cứ nội dung trao đổi, thống nhất tại tọa đàm, Ban Pháp chế EVN chủ trì, phối hợp với các ban chuyên môn của EVN hoàn thiện các báo cáo đề xuất giải pháp chi tiết nhằm đổi mới, chuyên nghiệp hóa từng hoạt động trong công tác pháp chế, đồng thời chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác pháp chế giữa các đơn vị.
Lãnh đạo EVN cũng giao Ban Pháp chế EVN xây dựng, báo cáo lãnh đạo Tập đoàn để ban hành Chỉ thị về đổi mới, chuyên nghiệp hóa công tác pháp chế trong toàn Tập đoàn nhằm quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo các điều kiện, nguồn lực cho công tác pháp chế.
Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao ý thức thượng tôn pháp luật là một trong các yếu tố quan trọng để Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các hoạt động, đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân, tạo nền tảng, điều kiện vững chắc cho mọi hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt trong bối cảnh EVN và các đơn vị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.