Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than

Ngày 10/8, Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu các nước ASEAN. Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam - ông Đặng Hoàng An tham dự đối thoại.

Về phía EVN, có Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải dự đối thoại tại điểm cầu Bộ Công Thương.

ASEAN hiện tại đang là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với thị trường năng động và nguồn dân số trẻ, trình độ cao. Năm 2021, nền kinh tế của khu vực đã tăng trưởng 3%, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2022 và 5,2% năm 2023. Có thể thấy, các nước ASEAN đang nỗ lực mở cửa và phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, với tình hình tăng trưởng kinh tế như vậy, nhu cầu năng lượng của ASEAN sẽ tăng đáng kể, đến năm 2040 sẽ tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay. Do vậy, bên cạnh các vấn đề an ninh năng lượng, hậu quả của nhu cầu năng lượng gia tăng này là sự gia tăng phát thải khí nhà kính (GHG). Khu vực ASEAN cần ưu tiên quan tâm giải quyết hài hoà giữa nhu cầu năng lượng tiếp tục tăng cao và các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Để giải quyết những lo ngại này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã thông qua Kế hoạch chi tiết năng lượng khu vực, Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC). Các nước ASEAN đã thành lập Trung tâm về Công nghệ Than sạch ASEAN vào ngày 30/9/2021, với vai trò nghiên cứu và phát triển của hợp tác khu vực về các quy trình sử dụng than sạch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và các đại biểu tham dự đối thoại tại điểm cầu Bộ Công Thương

Tại Việt Nam, Chính phủ luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển "điện đi trước một bước" để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Đến hết năm 2021, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng hàng đầu khu vực ASEAN về quy mô hệ thống điện. Trong các nguồn điện, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ mới cho các nhà máy nhiệt điện than như công nghệ than sạch (CCT), công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCUS) đảm bảo mục tiêu cung ứng điện cho phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tương lai và vị trí của ngành công nghiệp than tại khu vực ASEAN trong quá trình chuyển đổi năng lượng là vấn đề quan trọng đang đặt ra hiện nay. Tại nhiều quốc gia, khai thác và chế biến than là một ngành công nghiệp quan trọng, cung cấp nhiều công ăn việc làm cho người dân. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng đang được đẩy nhanh, tương lai ngành công nghiệp than cần được Chính phủ các quốc gia quan tâm và định hướng.


  • 10/08/2022 03:13
  • M.Hạnh
  • 5619