Đồng Nai: Điện ra đồng, nông dân hưởng lợi

14:13, 15/11/2016

Dù sản lượng nông nghiệp luôn đạt yêu cầu, nhưng nhiều năm nay nông dân xã Phú Lộc huyện Tân Phú (Đồng Nai) vẫn chưa được hưởng lợi nhiều bởi chi phí sản xuất khá lớn, đặc biệt là vấn đề tưới cây trồng còn nhiều khó khăn.

Để gỡ những khó khăn trên, huyện Tân Phú đã có nhiều giải pháp thiết thực giúp nông dân tăng gia sản xuất. Trong đó, nổi bật nhất là việc đưa điện phục vụ sản xuất đến với từng hộ dân trong vùng chuyên canh cây nông nghiệp.

Chặt cây “nhường” cho đường điện

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Phú Lộc đều phải sử dụng máy bơm chạy dầu để tưới cây. Một số hộ nằm ở khu đất cao nên giếng khoan sâu từ 70m trở lên nên muốn bơm nước cho vườn cây phải dùng máy bơm công suất lớn khiến nhiên liệu tiêu hao rất nhiều, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận từ cây trồng giảm đáng kể. Do đó, khi nghe Nhà nước có chủ trương kéo điện phục vụ sản xuất cho bà con, nhiều người đã không ngại chặt bỏ cây dưới đường điện đi qua mà không yêu cầu bồi thường hay hỗ trợ.

Gia đình ông Trần Văn Lánh (ngụ tổ 1, ấp 4, xã Phú Lộc) có hơn 2 hécta trồng điều và tiêu. Do công trình đường điện dài hơn 100 m đi qua vườn nhà mình nên ông Lánh phải hạ độ cao của cả chục cây điều để không ảnh hưởng đến điện trung thế. Theo ông Lánh, mỗi cây điều là 1 trụ tiêu nên khi chặt cành của 10 cây, nghĩa là 10 trụ tiêu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vì đường điện chung cho bà con sử dụng nên gia đình vẫn chấp nhận mà không đòi hỏi gì.

Đường điện trung thế đã về vùng chuyên canh xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) phục vụ sản xuất nông nghiệp

Hầu hết các hộ dân vùng chuyên canh cây nông nghiệp ở xã Phú Lộc đều hồ hởi khi thấy đường điện đang đến gần với gia đình họ. Bởi không bao lâu nữa, họ sẽ không còn phải nghe tiếng máy dầu nổ vang rền khắp khu dân cư mỗi khi tưới cây, nhất là phải lo kiếm tiền triệu để mua nhiên liệu cho mỗi đợt tưới.

Chia sẻ về những khó khăn khi thiếu điện sản xuất, ông Lê Ẩn (ngụ ấp 6) cho biết mỗi tháng gia đình ông phải chi trên 10 triệu đồng cho việc tưới cây. Vì vậy, nguồn điện về vùng sản xuất ai cũng vui. Gia đình ông Ẩn còn hy sinh chặt một số cây để “nhường chỗ” cho đường điện đi qua.

Có điện, cuộc sống ổn định hơn

Khu ấp 4 và ấp 6 có đường điện phục vụ sản xuất được đấu nối từ vài tháng nay đã giúp các hộ dân bớt gánh nặng chi phí tưới tiêu. Điển hình, gia đình bà Nguyễn Thị Khanh (ngụ tổ 4, ấp 4, xã Phú Lộc) gần đây không còn phải hì hục cho máy bơm chạy ầm ầm để tưới cây như trước. Bởi, từ khi có dòng điện 3 pha phục vụ sản xuất, công việc nhà nông của gia đình bà trở nên nhẹ nhàng hơn. Gia đình bà Khanh có 2 hécta tiêu, mỗi tháng phải tưới 3 đợt, mỗi đợt tưới từ 3-5 ngày.

Do điện sinh hoạt không đáp ứng được việc chạy máy bơm tưới cây nên gia đình bà Khanh phải dùng máy dầu nên chi phí rất tốn kém. Nhớ lại những tháng ngày phải sử dụng máy bơm nước chạy bằng dầu ồn ào đến đinh tai nhức óc, bà Khanh chia sẻ: “Mỗi đợt tưới cây tôi phải chi từ 2-3 triệu đồng, trung bình mỗi tháng tôi phải tốn trên 10 triệu đồng cho khoản này nên đến vụ thu hoạch không còn lời nhiều. Nếu năm nào thất mùa hay mất giá là kể như huề vốn, cuộc sống gặp khó khăn. Từ ngày Nhà nước đầu tư đường điện trung thế phục vụ sản xuất, chi phí hàng tháng giảm hẳn, chỉ còn chi tiêu từ 500-600 ngàn đồng/tháng. Hơn nữa, việc tưới cây bằng máy điện hiệu quả hơn so với máy dầu”.

Đánh giá về những lợi ích mà người dân được hưởng khi có điện trung thế phục vụ sản xuất nông nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc Nguyễn Văn Tường cho biết hiện toàn xã có 2,8/2,9 ngàn hécta đất nông nghiệp trồng cây cà phê, tiêu, quýt… Do đó, vấn đề nước tưới cho cây luôn được đặt lên hàng đầu với nông dân.

Điện sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng Phú Lộc thành xã nông thôn mới. Trên địa bàn xã hiện đang cần khoảng 7 tuyến đường điện phục vụ sản xuất với chiều dài khoảng 15km. Trong năm 2016, xã được đầu tư 2 tuyến điện trung thế, dự kiến sẽ được đầu tư tiếp 3 tuyến vào năm 2017. Đây sẽ là bước đệm, điều kiện thuận lợi để Phú Lộc ngày càng phát triển.

Theo Điện lực Định Quán, trong năm 2016 đơn vị đã triển khai đầu tư được 7 công trình điện trung thế phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Tân Phú, với tổng chiều dài 27,6 km đường dây; lắp đặt 48 trạm biến áp với tổng công suất trên 5,8 ngàn KVA. Tổng kinh phí cho đầu tư là trên 20,5 tỷ đồng.

Những công trình này nhằm cụ thể hóa chủ trương về tam nông của Tỉnh ủy trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Sau khi đường điện trung thế hoàn thành, người dân sẽ đăng ký hạ thế để đưa điện về phục vụ sản xuất.

 


Theo báo Đồng Nai

Share