Đồng hồ đo điện thông minh AMI có gì nổi bật?

Chiều 24/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tổ chức Cố vấn Giáo dục và Đào tạo Toàn cầu (TET) tổ chức Hội thảo "Đồng hồ đo điện thông minh". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.

Tham dự Hội thảo có ông Duc Do - chuyên gia của Tổ chức Cố vấn Giáo dục và Đào tạo Toàn cầu (TET) về công nghệ mới và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, Giám đốc Công ty Công nghệ ETLabs; ông Stuart Allinson - chuyên gia của TET về chuyển dịch năng lượng, Thành viên Hội đồng Quản trị (Partner) về Năng lượng, Mạng lưới Hỗ trợ khởi nghiệp Startupbootcamp; ông Chris J Law - chuyên gia của TET về đồng hồ đo điện thông minh, Tổng giám đốc Công ty Năng lượng Future Grid Australia.

Ông Chris J Law - chuyên gia của TET về đồng hồ đo điện thông minh - chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia của TET đã trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai hạ tầng đo đếm tiên tiến (AMI - Advanced Metering Infrastructure) với những nội dung chính như: thiết kế hệ thống, yêu cầu dữ liệu và ứng dụng trong kinh doanh, công nghệ thông tin, an ninh bảo mật cho AMI, những thách thức và các cân nhắc khi thực hiện đầu tư AMI,…

Theo ông Chris J Law - chuyên gia của TET về đồng hồ đo điện thông minh, Tổng giám đốc Công ty Năng lượng Future Grid Australia (một trong 3 doanh nghiệp năng lượng lớn nhất nước Úc), với trình độ phát triển và ứng dụng rộng rải của công nghệ thông tin và viễn thông, kết hợp với công tơ điện tử nhiều tính năng thông minh hơn nên ngày càng có nhiều công ty điện lực trên thế giới triển khai hạ tầng đo đếm tiên tiến AMI nhằm đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện. Ứng dụng này cũng tạo thuận lợi hơn trong quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh của chính các công ty điện lực.

"AMI là một cấp độ cao rộng hơn AMR (công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu tự động - Auto Meter Reading). Nó là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh điện năng tại các công ty điện lực, đặc biệt là trong quá trình chuyển dịch năng lượng như hiện nay, với sự tham gia của các nguồn năng lượng phân tán trong hệ thống điện" - chuyên gia Chris J Law nhấn mạnh.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.

Ông Chris J Law cho biết: "AMI sẽ trao quyền cho khách hàng đánh giá chất lượng hàng hoá, dịch vụ do các công ty điện lực cung cấp. Do vậy, bên cạnh tính ưu việt, AMI cũng có tính phức tạp, đòi hỏi chặt chẽ về mặt công nghệ, kỹ thuật của hệ thống, kiểu dữ liệu, an ninh bảo mật thông tin cũng như đòi hỏi phải hiệu chỉnh, cải tiến quy trình, quy định quản lý vận hành truyền thống. Điều này đôi khi mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí đầu tư của doanh nghiệp".

Chuyên gia của TET cũng đưa ra một số lưu ý khi triển khai AMI tại Việt Nam như: Hệ thống hạ tầng phải phù hợp với việc đầu tư công tơ thông minh; khi triển khai AMI cần phải có quá trình chuẩn bị nhân lực vận hành, phải đào tạo theo thời gian và có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình thay thế công nghệ. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, EVN cũng cần xem xét đầu tư AIM theo nhu cầu đòi hỏi của thị trường, ví dụ như có thể bắt đầu từ những khu vực thành thị, những nơi đang phát triển hệ thống lưới điện thông minh, khu dân cư sử dụng hệ thống nhà thông minh...

So với công tơ điện tử của Việt Nam, hệ thống công tơ AMI có thể gửi dữ liệu tự động về trung tâm điều khiển bằng cả kết nối có dây (cáp quang, cáp đồng, PLC, dial-up) lẫn không dây (Mesh network, giao tiếp điểm - đa điểm, mạng di động) tùy theo đặc điểm từng khu vực. Với những tiện ích mang lại, AMI cũng là công nghệ được áp dụng tại khá nhiều bang ở Mỹ với khoảng 16,1 triệu công tơ thông minh đã được triển khai, chiếm tới 29% tổng số công tơ thông minh tại nước này.

Tại hội thảo, những câu hỏi của các đại biểu đưa ra xung quanh vấn đề triển khai  AMI cũng được các chuyên gia chia sẻ, giải đáp thỏa đáng.

Được biết, giai đoạn từ 2016 đến nay, EVN đã đẩy mạnh trang bị sử dụng công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu tự động (AMR) dần thay thế cho công tơ cơ khí. Từ con số chỉ có 3,8 triệu công tơ điện tử thu thập dữ liệu tự động (chiếm tỷ lệ 16% trên tổng số 23,9 triệu công tơ bán điện) vào cuối năm 2015, đến cuối năm 2022 đã có 24,7 triệu công tơ điện tử thu thập dữ liệu tự động (chiếm tỷ lệ hơn 81% trên tổng số 30,3 triệu công tơ bán điện). Nhờ vậy, chất lượng công tác điều hành sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN và các tổng công ty điện lực trong những năm gần đây đã được cải thiện, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Các tổng công ty Điện lực có tỷ lệ 100% công tơ điện tử thu thập dữ liệu tự động như: Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đơn vị điện lực và khách hàng có thể tra cứu, theo dõi chỉ số công tơ và sản lượng điện đã tiêu thụ hàng ngày qua các ứng dụng trên máy tính, điện thoại. Trong đó, EVNHCMC còn hoàn thành triển khai hệ thống cảnh báo mất điện của lưới điện dựa trên việc sử dụng dữ liệu mất điện của hệ thống đo đếm.


  • 24/04/2023 05:37
  • Di Linh
  • 7068