Thứ trưởng Quang cho biết: Đến nay, các đối tác của VN là Nga và Nhật Bản đã hoàn tất quy hoạch chọn địa điểm và báo cáo nghiên cứu khả thi của hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II. Cụ thể, nhà máy I được đề xuất đặt tại Phước Dinh, nhà máy II sẽ ở Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Trong đó nhà máy I năm nay bắt đầu làm khu tái định cư để đầu năm 2015 sẽ di dời dân.
Bảng quy hoạch khu xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận - Ảnh: T.T.D
|
Bao giờ Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công, thưa ông?
Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ. Theo các đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thời điểm khởi công là trước năm 2020. Thủ tướng đã nói việc khởi công có thể chậm đến năm 2020 để khâu thăm dò, chuẩn bị được tốt, kỹ càng.
Ngoài yếu tố đảm bảo an toàn, còn lý do gì khiến VN phải thận trọng hơn và chưa khởi công nhà máy này?
Sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, chúng ta phải cẩn thận hơn. Ví dụ về khảo sát địa chấn, địa chất phải làm kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn. Đây là nguyên nhân chính phải dời thời điểm khởi công Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I thêm vài năm, bởi phải nghiên cứu lựa chọn địa điểm cũng như hoàn chỉnh hồ sơ dự án.
Phải chăng công nghệ Nga đề xuất chuyển giao cho VN chưa đảm bảo xử lý được sóng thần, động đất ở mức độ đã xảy ra với Nhà máy Fukushima?
Không phải vậy. Phía Nga trong nghiên cứu khả thi đã giới thiệu nhiều công nghệ họ đang có, đồng thời đề nghị làm một công nghệ được cho là phù hợp với VN. Tuy nhiên, VN đặt mục tiêu an toàn là số 1 nên công nghệ nào mới nhất, đảm bảo sự an toàn cao nhất mới ưu tiên chọn và đến thời điểm này VN vẫn chưa lựa chọn công nghệ nào cả. Tóm lại, nguyên tắc là phải sử dụng công nghệ tiên tiến, đã được kiểm chứng rồi và đạt an toàn cao nhất.
Việc điều chỉnh tiến độ khởi công sẽ ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch sinh sống của người dân địa phương ở Ninh Thuận, thưa ông?
Vấn đề quy hoạch, di dân tái định cư là điều Chính phủ quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Tiến độ chậm lại thì sẽ phải làm việc trên cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, để từ đó đề ra các tiến độ cụ thể như thu hồi đất khi nào, ở đâu... Những điều này sẽ được công bố rộng rãi cho người dân và có chính sách hỗ trợ dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đó là các công trình vĩnh cửu, còn khu vực đất nào chưa sử dụng thì dân vẫn được canh tác bình thường.
Còn việc sử dụng nhân sự đã được đào tạo trong vài năm qua, liệu có xảy ra tình trạng những kiến thức họ được đào tạo sẽ bị lỗi thời?
Nếu dự án chậm đưa vào hoạt động thì số nhân lực cán bộ, khoa học kỹ thuật đào tạo rồi sẽ phải được bố trí việc làm hay chỗ thực tập thích hợp. Chẳng hạn, trong thời gian nhà máy chưa hoạt động, các cán bộ đó vẫn làm việc ở các nhà máy khác nhau và cử đi thực tập tại những nhà máy điện hạt nhân ở những nước khác.
Ông Đoàn Thế Vinh (Phó vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân, Tổng cục Năng lượng): Dự án vẫn theo tiến độ
Nếu đưa tiến độ chính xác mà không thực hiện được mới là chậm. Trên thực tế, chúng ta không chậm tiến độ mà là điều chỉnh tiến độ. Thời điểm năm 2008, VN chưa có Luật năng lượng nguyên tử, chưa có các bước xây dựng, chưa có kinh nghiệm nên đưa ra thời điểm không hợp lý là năm 2014. Sau khi có Luật năng lượng nguyên tử và nghị định 70 về hướng dẫn một số điều của luật, các bên tư vấn của VN và nước ngoài ngồi tính lại với nhau để đưa ra một tiến độ chính xác.
Đến giữa tháng 8/2014, Công ty tư vấn của Nga (Công ty E4) sẽ nộp báo cáo nghiên cứu khả thi đã được bổ sung, hoàn thiện cho phía VN. Sau đó Bộ Khoa học và công nghệ cần khoảng sáu tháng để thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đánh giá báo cáo tác động môi trường.
Hết năm 2014, hội đồng thẩm định mới nhận được hồ sơ hoàn chỉnh và theo nghị định 70, việc thẩm định này phải hoàn tất trong ba tháng, tức hết quý 1/2015. Chúng ta đang làm từng việc, từng bước, từng ngày theo đúng tiến độ.
|