Dự án điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi: Thêm nguồn năng lượng sạch

15:02, 20/09/2017

Với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang triển khai dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi. Khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn bổ sung nguồn năng lượng sạch.

Hiệu quả thiết thực

Đầu năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương cho CTCP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) khảo sát, nghiên cứu và đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi, nằm tại 2 xã, La Ngâu, huyện Tánh Linh và Đa Mi, La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Với công suất 47,5 MWp, sản lượng điện gần 70 triệu kWph/năm, dự kiến Dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019.

Ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc DHD cho biết, việc triển khai Dự án điện mặt trời là hiện thực hóa chủ trương của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) nói riêng và EVN nói chung trong việc đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng sạch trên cả nước. Đây cũng là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên EVNGENCO 1 giao DHD triển khai. Vì vậy, sau khi UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, Công ty đã khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo.

Điều đáng nói, khác với các dự án điện mặt trời lắp mái hoặc trên mặt đất, đối với các dự án trên hồ thường có hiệu suất cao hơn do chênh lệch giữa bức xạ mặt trời và mặt nước khá lớn. Hồ Thủy điện Đa Mi còn có thêm thuận lợi do Công ty DHD đã có hợp đồng thuê đất, nên gần như không mất thời gian giải phóng mặt bằng. Mực nước dao động của hồ Đa Mi cũng rất thấp, chỉ khoảng 2 m, nên việc gia cố giá đỡ để lắp đặt các tấm pin cũng đơn giản hơn.

Đánh giá hiệu quả của Dự án này, ông Lưu Đức Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận khẳng định, trong quá trình triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng, Dự án điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi  không ảnh hưởng đến môi trường, không phát thải khí nhà kính, không phát sinh diện tích đất vì các tấm pin được đặt nổi trên mặt hồ. Đồng thời, Dự án sẽ bổ sung nguồn điện cho vùng hạ du, trong đó có huyện Tánh Linh. Từ đó, đời sống nhân dân được nâng cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ được mở rộng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần thu ngân sách cho địa phương.

Cần sớm bổ sung vào Quy hoạch

Rõ ràng, Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi không chỉ bổ sung nguồn năng lượng sạch cho đất nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, theo ông Lưu Đức Vinh, huyện Tánh Linh đặc biệt quan tâm và ưu tiên cho Dự án này. Theo đó, khi DHD xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trên địa bàn huyện Tánh Linh được quy hoạch Dự án với diện tích 53,2 ha; UBND huyện Tánh Linh đã nhanh chóng chấp thuận và thống nhất bổ sung vào Quy hoạch, để Sở Công Thương Bình Thuận thực hiện các bước tiếp theo.

Đồng thời, phục vụ cho việc hoàn chỉnh bổ sung Dự án, UBND huyện Tánh Linh đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà và UBND xã La Ngâu phối hợp với DHD, khảo sát, đo đạc thực địa. Từ đó, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện Tánh Linh.

Ông Lê Văn Quang cũng khẳng định, trong suốt quá trình khảo sát, đo đạc để triển khai Dự án, DHD đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện Tánh Linh nói riêng. Vì vậy, DHD đang gấp rút triển khai các thủ tục, trước mắt phục vụ cho việc phát hành hồ sơ mời thầu, ưu tiên thu xếp vốn cho Dự án, nhanh chóng lắp đặt thiết bị với mục tiêu hoàn thành trước tháng 6/2019.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, đây là dự án nguồn điện độc lập chưa có tên trong Danh mục nguồn điện thuộc Quy hoạch Phát điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Công Thương, sớm thẩm định và phê duyệt điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định hiện hành, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi triển khai Dự án.  


Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập

Share