Để đáp ứng mục tiêu đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025, Tập đoàn dự kiến giao các tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam. TP Hà Nội và TP.HCM) khởi công 1.068 dự án và hoàn thành 1.129 dự án lưới điện 220-110kV.
Danh mục lưới điện dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 của 5 Tổng công ty Điện lực được xây dựng trên cơ sở đánh giá về nhu cầu cung cấp điện, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng... Cùng với đó là đáp ứng nhu cầu điện một số khu vực tăng trưởng phụ tải cao (như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An,...) và để đáp ứng yêu cầu giải tỏa nguồn thủy điện phía Tây Bắc, nguồn năng lượng tái tạo tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
So sánh với khối lượng thực hiện giai đoạn 2016-2020, tổng số công trình dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 25%, trong đó số công trình của Tổng công ty Điện lực TP.HCM tăng đến 57%, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và miền Trung tăng trên 35%.
Lưới điện 110kV xây dựng đồng bộ với lưới điện truyền tải 220kV, đảm bảo phân bố phụ tải hợp lý để giảm tổn thất điện năng và khai thác hiệu quả các trạm nút 220kV do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư. Đối với lưới điện phân phối, xây dựng theo cấu trúc mạch vòng, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao đảm bảo thiết kế theo sơ đồ hợp lý để vận hành linh hoạt.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc khởi công dự án Trạm biến áp 110kV Hưng Hà 2 (Thái Bình) và nhánh rẽ, tháng 7/2021. Nguồn ảnh: EVNNPC
|
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo đánh giá của EVN và 5 Tổng công ty Điện lực, trong công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục gặp khó khăn về công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch như: chưa có sự đồng bộ giữa quy hoạch lưới điện và quy hoạch phát triển kinh tế của một số địa phương, nên xuất hiện nhu cầu phụ tải đột biến, cần phải bổ sung các công trình lưới điện tương ứng. Công tác chuẩn bị dự án kéo dài do phải trình qua nhiều cấp thẩm định, phê duyệt. Công tác thỏa thuận tuyến của các đường dây đi qua khu đông dân cư, khu công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, trong quá trình triển khai, địa phương lại yêu cầu điều chỉnh vì nhiều lý do, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra, công tác quản lý đất tại một số địa phương chưa tốt (khó xác định nguồn gốc đất), giá đất bồi thường chưa phù hợp với giá thị trường nên nhiều hộ dân không đồng tình. Đặc biệt, sau khi các chủ đầu tư tư nhân đã nâng định mức, đơn giá đền bù tại một số địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác BT-GPMB của các đơn vị ngành Điện.
Bên cạnh đó, đại dịch COVD-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 và vẫn diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt ở các khâu thỏa thuận tuyến, thi công, cung cấp vật tư thiết bị.
Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến rà soát công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 của 5 Tổng công ty Điện lực, ngày 29/7, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, để có thể hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn theo kế hoạch, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, các tổng công ty phải bám sát các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.
Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới trong công tác đầu tư xây dựng cũng là một nội dung được Phó Tổng giám đốc EVN đặc biệt nhấn mạnh. Trong đó, phải thực hiện chuyển đổi số tối đa cho từng khâu, từng công đoạn có thể ứng dụng được, đặc biệt là trong khảo sát, thiết kế 3D, quản lý dự án, giám sát trình tự thủ tục, tiến độ và chất lượng đầu tư.