Ứng dụng vào thực tiễn
Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN - cho biết: Năm 2016, đối với công tác khoa học công nghệ, các đơn vị trong Tập đoàn đã thực hiện nhiều đề tài và sáng kiến có tính ứng dụng cao phục vụ trực tiếp sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực, như: Các đề tài sản xuất thử nghiệm thiết bị đầu cuối (RTU) cho các nhà máy điện; Ứng dụng công nghệ composite bảo vệ bề mặt các hệ thống thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than; Nghiên cứu phương pháp giám sát dòng rò cách điện đường dây và chế tạo thiết bị giám sát, ghi lưu dòng rò từ xa theo thời gian thực (online); Các đề tài nghiên cứu liên quan đến thiết bị đo đếm (công tơ)...
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, EVN đã nâng cấp và khai thác có hiệu quả các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh như: Hệ thống E-Office; Hệ thống quản lý khách hàng dùng điện; Tài chính, Vật tư; Hệ thống hóa đơn điện tử; Kho dữ liệu đo đếm; Phần mềm quản lý đầu tư xây dựng; Quản lý kỹ thuật lưới điện và nguồn điện...
Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, các chỉ tiêu về thời gian mất điện, tần suất mất điện, thời gian giải quyết cấp điện mới… đã giảm đáng kể. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 là 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so năm 2015.
Trung tâm Điều khiển Thủy điện Lai Châu
|
Triển khai rộng khắp
Theo ông An, năm 2017, EVN chọn chủ đề “Đẩy mạnh khoa học công nghệ” với mục đích triển khai ứng dụng mạnh mẽ và phát triển khoa học công nghệ để áp dụng trong quản trị, điều hành, vận hành hệ thống điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng nhằm năng cao độ tin cậy vận hành hệ thống điện, năng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Theo đó, EVN sẽ tập trung nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn trong quản lý, vận hành ở tất cả các khối từ sản xuất, truyền tải tới khâu phân phối điện. Cụ thể là xây dựng định hướng và chiến lược phát triển công nghệ điện lực, kế hoạch phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2030; Ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm tiến độ các dự án tăng cường độ tin cậy và hiệu quả vận hành hệ thống điện; Các dự án phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Chương trình phát triển lưới điện thông minh...
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành như: Hoàn thành hệ thống ERP trong quý II/2017; Các chương trình phần mềm quản lý đầu tư xây dựng, quản lý các nhà máy điện; Triển khai đề án văn phòng điện tử để bảo đảm quản lý hành chính toàn tập đoàn ở cấp độ 4. Trên cơ sở này, EVN đã đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng khối đơn vị. Tập đoàn cũng yêu cầu các đơn vị chú trọng đến giải pháp công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất lao động như: Giảm phát thải ở nhà máy nhiệt điện, hoàn thành nhiều trạm biến áp không người trực, sửa chữa điện nóng không cắt điện...
Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN: Trong các giải pháp thực hiện, chúng tôi khuyến khích các đơn vị, cá nhân có sáng kiến, nghiên cứu, phát triển công nghệ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, giá thành hợp lý, có thể áp dụng đại trà nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động. |
Nguồn: baocongthuong.com.vn
Share