Đầu tư hạ tầng, cải tiến dịch vụ
Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết, đối với các doanh nghiệp, điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng, vì vậy, việc xây dựng hạ tầng, cải tiến dịch vụ có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều năm qua, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án đường dây và trạm biến áp để bảo đảm cấp điện ổn định, chất lượng cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Ngoài ra, thực hiện mục tiêu hợp tác khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã có nhiều chương trình liên kết với các nước có chung biên giới như: Cung cấp điện cho Lào, Campuchia; mua điện của Trung Quốc; kết nối mạng điện và phát triển nguồn điện thuộc khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia. Trong đó, phải kể đến một số dự án trong chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) như đường dây 500 kV Hatxan – Pleiku, đường dây đấu nối 500 kV Việt Nam - Trung Quốc, Thủy điện Hạ Sê San 2, Thủy điện Nậm Mô 1, Thủy điện Sê Kông.
Song song với việc đầu tư hạ tầng hệ thống điện trong nước có kết nối khu vực, EVN còn chủ động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Một trong những điểm nổi bật đó là phối hợp với các cơ quan nhà nước, giảm thời gian tiếp cận điện năng cho khách hàng từ trên 100 ngày xuống còn 55 ngày, năm 2015 còn 10 ngày đối với lưới điện trung áp.
Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, ngoài môi trường kinh doanh thuận lợi, hệ thống điện đảm bảo cung ứng điện ổn định cùng với dịch vụ cải tiến đã tạo sự yên tâm, tin cậy để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Đảm bảo cung ứng điện ổn định cùng với dịch vụ cải tiến sẽ góp phần tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi - Ảnh: H.Hiếu
|
Mở rộng hợp tác quốc tế
Theo ông Đặng Hoàng An, EVN đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực và quốc tế như Diễn đàn những người đứng đầu ngành điện các nước ASEAN (HAPUA); Hiệp hội Công nghiệp cung cấp điện Đông Á và Tây Thái Bình Dương; Hội nghị Quản lý Quy hoạch tổng quan ngành điện các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á; Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và nhiều hội nghị, diễn đàn khác như diễn đàn Bộ trưởng năng lượng ASEAN, diễn đàn các quan chức cao cấp năng lượng ASEAN, hội nghị Bộ trưởng năng lượng APEC...
Tại diễn đàn HAPUA, diễn đàn điện năng Đông Nam Á, EVN đã tham gia khá đầy đủ hoạt động của các nhóm và hội đồng hàng năm. Đặc biệt năm 2001, EVN đăng cai tổ chức thành công HAPUA 17 tại Hà Nội, năm 2011-2012, EVN giữ chức Chủ tịch HAPUA với nhiều sáng kiến tích cực, được các nước thành viên đánh giá rất cao. Những diễn đàn này đã tạo cơ hội giúp EVN tăng cường trao đổi thông tin, tìm hiểu về ngành điện các nước trong khu vực, đồng thời, đề xuất và thực hiện các dự án hợp tác về kỹ thuật, công nghệ, thông tin, tài chính, quản lý, môi trường, nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân...
Ngoài ra, EVN còn hợp tác với nhiều nước trên thế giới nhằm học hỏi kinh nghiệp quản lý, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đầu tư dự án, nâng cao hiệu suất vận hành trong tất cả các khâu của hệ thống điện nhằm từng bước thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tận dụng được các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng hệ thống điện hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.
Thời gian tới, EVN sẽ phát triển ngành điện theo hướng hiện đại và minh bạch, tạo tiền đề quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế. |
Theo Báo Công Thương
Share