PV: Ông có thể cho biết những khó khăn mà EVN đang phải đối diện để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2019?
Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2019, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, tuy nhiên hệ thống điện hầu như không còn dự phòng nguồn cấp. Đồng thời, vấn đề bảo đảm cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN.
Đến cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại khu vực miền Trung không tích được nước đến mực nước dâng trung bình dẫn tới việc sản lượng thủy điện thiếu khoảng 2,56 tỷ kWh. Trong khi đó, việc bảo đảm nhiên liệu cho phát điện tiềm ẩn nhiều rủi ro như khả năng cung cấp than trong nước cho phát điện thấp hơn so với nhu cầu gần 8 triệu tấn và phải nhập khẩu; nguồn khí trong nước đã giảm nhưng chưa có nguồn bổ sung...
Bên cạnh đó, các yếu tố thị trường đầu vào của sản xuất điện biến động theo xu hướng bất lợi, trong đó giá than, giá khí dự kiến tăng trong năm 2019. Trước tình hình này, ngay từ đầu năm 2019, EVN đã tập trung bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân với chủ đề năm là “Nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện và thị trường điện” nhằm mục tiêu bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vận hành tối ưu nguồn điện, lưới điện truyền tải và phân phối, thị trường điện nhằm bảo đảm sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận.
PV: Để khắc phục những khó khăn trên, EVN đã có giải pháp nào, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: EVN đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện từng tháng trên cơ sở bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, tình hình cấp khí, tình hình vận hành thị trường điện để điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện. Cùng với đó là chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện đáp ứng sản lượng điện mùa khô và cả năm; phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc bảo đảm cung cấp khí và tìm các nguồn khí mới; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để vận hành các hồ thủy điện cấp nước phục vụ sản xuất khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bảo đảm hiệu quả cao nhất; điều tiết nước các hồ thủy điện, bảo đảm an toàn các hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2019...
PV: Như vậy là mọi việc đã sẵn sàng, thưa ông?
Ông Ngô Sơn Hải: Đúng vậy, ở thời điểm hiện nay, các đơn vị truyền tải, phân phối đã chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố. Các đơn vị cũng đang khai thác hiệu quả các thiết bị phát hiện, cảnh báo để ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải.
Ngoài ra, các đơn vị phát điện cũng đang giám sát chặt chẽ để hoàn thành việc sửa chữa đúng tiến độ, bảo đảm vận hành các tổ máy phát điện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia. Hợp đồng mua than, khí với các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã được ký trong tháng 1/2019; đấu thầu nhập khẩu than và khí hóa lỏng sẽ được tiến hành trong quý I/2019.
EVN đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng tiếp nhận than (cảng, nạo vét luồng tàu, phương tiện bốc dỡ, kho bãi) đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện và dự phòng trong các điều kiện thời tiết bất thường.
Hiện, các công ty thủy điện đang làm việc cụ thể với chính quyền các địa phương vùng hạ du để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện phát điện trong mùa khô và cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại các địa phương, vận hành đúng quy trình hồ chứa và liên hồ được phê duyệt; phối hợp điều tiết nước, xả lũ đúng quy định.
Để không ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, EVN hạn chế tối đa cắt điện khi sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện bằng cách tăng cường áp dụng các công nghệ không cắt điện, các biện pháp thi công phù hợp...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!