EVN cam kết hỗ trợ tối đa để phát triển điện mặt trời áp mái

Mặc dù có tiềm năng lớn và mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng điện mặt trời (ĐMT) áp mái ở Việt Nam chưa phát triển. Làm thế nào để thúc đẩy nguồn điện này?

Vì sao phải phát triển ĐMT áp mái?

Theo ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN, năm 2017, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 11 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, các dự án công suất lớn đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn và khả năng tiếp cận mặt bằng dễ dàng (các tỉnh Nam Trung bộ). Điều này, tạo nên sức ép lớn đối với lưới truyền tải; một số nhà máy sẽ không phát được hết công suất, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. 

Trước thực trạng trên, điện mặt trời áp mái chính là giải pháp đặc biệt hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bởi tính ưu việt của nguồn điện này là đấu nối thẳng vào lưới điện hạ thế đã có sẵn của EVN. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới chỉ có 1.800 khách hàng tham gia với công suất lắp đặt khoảng 30 MWp, sản lượng điện năng phát lên lưới đạt gần 4 triệu kWh - con số quá nhỏ bé so với tiềm năng.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenID) cho hay, Việt Nam có trên 11 triệu hộ gia đình. Nếu khai thác hiệu quả nguồn lực này sẽ góp phần giảm áp lực rất lớn cho hệ thống điện và không gây nên sự quá tải cục bộ cho lưới truyền tải. 

Theo các chuyên gia năng lượng, điện mặt trời áp mái còn có thể triển khai theo hình thức chia sẻ: EVN chia sẻ lưới điện cho các nhà đầu tư; các hộ gia đình chia sẻ mái nhà; nhà đầu tư có thể tham gia bằng cách đầu tư nguồn vốn, thiết bị... Khi lắp đặt điện mặt trời áp mái, các gia đình không chỉ giảm được chi phí tiền điện mà còn góp phần giảm áp lực nguồn điện cho EVN.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển điện mặt trời áp mái, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam

Thúc đẩy bằng cách nào?

Việc phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc, do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng; chi phí đầu tư vẫn còn cao; khách hàng còn e ngại do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành...

Theo bà Ngụy Thị Khanh, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, để từng hộ gia đình hiểu được những lợi ích cũng như vốn đầu tư, kĩ thuật đấu nối điện mặt trời áp mái; đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ như miễn thuế trong thời gian hệ thống chưa được hoàn vốn; có các chương trình hỗ trợ tín dụng... 

Ngoài ra, cần có cơ chế để các nhà tài trợ, ngân hàng, nhà đầu tư, sản xuất, các tổ chức quốc tế và trong nước cũng tham gia sâu rộng, cung cấp các giải pháp, gói dịch vụ hấp dẫn khuyến khích khách hàng đầu tư và sử dụng điện mặt trời áp mái...

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2017, để EVN và các đơn vị điện lực có thể ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện phát lên lưới cho khách hàng; đồng thời xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện.

Về phía EVN, ông Trần Đình Nhân cho biết, Tập đoàn cam kết hỗ trợ tối đa mọi yêu cầu của người dân, doanh nghiệp như: Đơn giản hóa các quy trình thủ tục đấu nối; thanh toán tiền điện kịp thời sau khi có thông tư hướng dẫn của các bộ/ngành; lắp đặt miễn phí công tơ hai chiều... EVN cũng sẽ tiếp tục tiên phong trong công tác tuyên truyền, triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích, hiệu quả từ những mô hình cụ thể. 


  • 24/03/2019 09:34
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 93460