EVN cần đảm bảo an toàn hồ đập và sẵn sàng phương án cấp điện tiêu úng

Đó là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 3, sáng 18/7.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bão số 3 đang cách đất liền khoảng 400 km và dự báo chiều tối nay (18/7) sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta với trọng điểm là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh - những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới trước đó.

Đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh và phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan, lơ là với diễn biến bất thường của bão.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện hồ Thủy điện Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ khoảng 1,1m/ngày); hồ Hòa Bình đang mở 3 cửa xả đáy (tốc độ hạ mực nước hồ trung bình 0,5m/ngày). Tùy theo tình hình mưa lũ, Ban Chỉ đạo sẽ có phương án điều tiết để đảm bảo đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ chính vụ vào ngày 20/7/2018. Ngoài ra, các hồ thủy điện khác trong khu vực Bắc Trung bộ đang thực hiện theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Bộ Công Thương, EVN tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình được duyệt; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu. Ngoài ra, cần sẵn sàng các phương án để sớm khắc phục cấp điện sau thiên tai, phục vụ bơm tiêu úng cho khu vực nông nghiệp.

Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Trịnh Xuân Nguyên – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban An toàn (EVN) cho biết: Đối với những khu vực cấp điện cho trạm bơm tiêu úng, EVN đã yêu cầu các tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực coi đây là phụ tải ưu tiên để sẵn sàng cấp điện trở lại nhanh nhất nếu có sự cố do mưa bão gây ra. Đối với các hồ chứa thủy điện, EVN đã chỉ đạo các nhà máy vận hành theo đúng yêu cầu đảm bảo an toàn hồ đập.

Dự báo, bão số 3 tác động vào khu vực Bắc Trung bộ, có ảnh hưởng đến khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình ít hơn, trong khi đó lưu lượng nước về hồ Thủy điện Sơn La khoảng 2.000 m3/s, lưu lượng xả qua phát điện và 1 cửa xả đáy là 4.800 m3/s; hồ Hòa Bình lưu lượng nước về 6.000 m3/s, lưu lượng xả qua phát điện và 3 cửa xả đáy 7.000 m3/s. Mực nước các hồ đang trong phạm vi cho phép. EVN đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cho đóng 1 cửa xả đáy Thủy điện Hòa Bình và 1 cửa xả đáy Thủy điện Sơn La để tránh lãng phí tài nguồn nước phục vụ cho phát điện. 

Trước kiến nghị của EVN, căn cứ số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và tình hình thực tế nước về hồ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai nghiên cứu để đóng cửa xả Thủy điện Sơn La trong ngày 18/7, đối với 1 cửa xả hồ Thủy điện Hòa Bình có thể đóng trong ngày tiếp theo. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương:

Hồi 7 giờ ngày 18/7, bão số 3 cách đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh khoảng 390 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30 km; khoảng chiều tối nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Từ chiều nay (18/7), khu vực ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10.

Dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây, suy yếu và tan dần.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.


  • 18/07/2018 10:49
  • Bài, ảnh: Lê Việt
  • 15334