Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà; đại diện Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và một số bộ ngành Trung ương.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận có ông Nguyễn Đức Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN; ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì buổi làm việc
|
Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 41 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 2.447 MW đã được phê duyệt quy hoạch. Tính đến ngày 30/6/2019, đã có 18 nhà máy với tổng công suất 1.156 MW đưa vào vận hành, trong đó, 10 dự án (tổng công suất 359 MW) phải thực hiện giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215 MW) do quá tải đường truyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét, đồng ý chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời tại khu vực Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối để truyền tải công suất các nhà máy vào hệ thống điện quốc gia. Vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thống nhất với đề xuất của tỉnh và kiến nghị Chính phủ cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời kết hợp hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV.
Đối với những công trình cấp bách đang đề xuất triển khai, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương và EVN sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư; thu hút nhà đầu tư theo hướng xã hội hoá.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ về giải pháp giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận
|
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Cụ thể, các nhà máy năng lượng tái tạo được đấu nối chủ yếu qua đường dây 220 kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân và đường dây 110 kV Tháp Chàm - Phan Rí. Việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV. Nguyên nhân chính là do việc đầu tư các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp với tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Trong khi thời gian xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thì thời gian cần để hoàn thành một dự án lưới điện truyền tải mất từ 3-5 năm.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, EVN đã kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cho phép lắp đặt các trạm biến áp tạm 220/110 kV tại Vĩnh Tân và Phước Thái. Các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo tham gia lắp đặt, sau khi hoàn thành sẽ cho EVN thuê để vận hành. Việc này đã được tỉnh và các chủ đầu tư cơ bản đồng tình và ủng hộ. Dự kiến, khi hoàn thành trong quý II/2020, các trạm này sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Sáng 17/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi thị sát một số dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận
|
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, với tiềm năng riêng có, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, do phát triển chưa đồng bộ nên Ninh Thuận khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện. Để giải quyết vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương phải bám sát để cùng với tỉnh tìm phương hướng giải quyết. Việc phát triển nguồn điện phải gắn với phát triển hệ thống truyền tải để đảm bảo giải toả được công suất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát triển nguồn điện, tránh phong trào.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các ngành sớm trình quy hoạch điều chỉnh điện mặt trời, điện gió, cũng như Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ. EVN phối hợp với các nhà đầu tư để đảm bảo các nhà máy nguồn điện phải gắn với truyền tải, giải toả công suất. “EVN chỉ ký hợp đồng mua điện với các nhà đầu tư khi đảm bảo điều kiện giải toả công suất. Nếu không, đây sẽ là thất thoát rất lớn cho doanh nghiệp, cho xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Tích năng Bác Ái; yêu cầu các nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước sớm hoàn thiện các thủ tục bổ sung quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Điện lực Cà Ná, Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam và các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn.