EVN chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ khách hàng tốt hơn

Triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, EVN đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước, chủ động chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Hiệu quả, minh bạch

“Chúng ta có quyết tâm thay đổi quy trình, cách làm cũ không? Có từ bỏ những thói quen cũ hay không? Làm thế nào để toàn bộ “cỗ máy” rất lớn trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng quyết tâm và thực hiện tốt?”… Trả lời những câu hỏi đó, Hội đồng thành viên EVN đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, các Tổ công tác chuyển đổi số theo các lĩnh vực. Với quyết tâm cao và sự quyết liệt trong triển khai từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên, đến nay, các mục tiêu chuyển đổi số EVN đặt ra trong 2 năm 2021-2022 đã cơ bản hoàn thành, góp phần quan trọng trong việc giúp hoạt động của EVN hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Ví dụ về tính hiệu quả, minh bạch mà chuyển đổi số mang lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN chia sẻ, trước đây, chỉ số công tơ điện chỉ có người công nhân điện lực nắm rõ, bây giờ, khách hàng biết, người quản lý biết và muốn biết lúc nào cũng được, nên không còn tình trạng cố tình ghi sai chỉ số. Trong công tác quản trị, không chỉ chuyển từ văn bản giấy sang các văn bản điện tử, mà hệ thống văn bản đi/đến đã được liên thông không chỉ trong EVN và mà còn đến cả các Bộ, ngành, nên mọi chỉ đạo được triển khai rất nhanh chóng. 

“Đặc biệt, các hoạt động mua sắm cũng được kiểm soát trên nền tảng số. Đơn vị nào mua sắm chi phí cao hơn nhiều các đơn vị khác, ngay lập tức sẽ có email cảnh báo gửi đến lãnh đạo tập đoàn”, Tổng giám đốc EVN chia sẻ.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện EVN nhận giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc năm 2022.

Hiện nay, EVN đã đưa vào hoạt động hệ sinh thái số EVNConnect, nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ công tác quản lý điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh toàn tập đoàn, trong đó Hệ thống Văn phòng số (Digital Office) được kết nối đến Trục liên thông văn bản Quốc gia từ năm 2021.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên đã ứng dụng các công nghệ khảo sát, thiết kế 3D, BIM; áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án như hồ sơ dự án điện tử, nhật ký thi công điện tử...

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, 98% thiết bị chính tương ứng 1,9 triệu hồ sơ của nhà máy điện và lưới điện đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thiết bị phần mềm PMIS; 100% TBA 110kV và 84% TBA 220kV vận hành theo chế độ không người trực và điều khiển từ xa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghệ xử lý, nhận diện hình ảnh và ứng dụng hiện trường trong quản lý vận hành đường dây; ứng dụng IoT trong công tác vận hành, sửa chữa các nhà máy điện; ứng dụng sửa chữa không cắt điện (hotline), qua đó nâng cao năng suất lao động, độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động.

Phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn

Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc chuyển đổi số của EVN còn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện.

Hiện nay, EVN đã đưa vào ứng dụng hệ thống phần mềm thu thập dữ liệu từ xa; quản lý dữ liệu đo đếm; 100% dịch vụ điện cung cấp trực tuyến; toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện thực hiện theo phương thức điện tử. EVN cũng đã kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia; kết nối Trục liên thông văn bản Quốc gia; kết nối Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế; kết nối với ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money, Trung tâm hành chính công và Cổng Dịch vụ công các tỉnh, thành phố…

Hoạt động chăm sóc khách hàng được thực hiện trên hệ thống đa kênh, đa phương tiện. Giờ đây, người dân Việt Nam, chỉ cần kết nối Internet là có thể tiếp cận được tất cả các dịch vụ điện lực một cách nhanh chóng, từ thanh toán trực tuyến hay tra cứu thông tin… ở mọi nơi, mọi lúc. 

Từ ngày 01/01/2022, EVN kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sớm hơn 5 tháng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ có vậy, EVN cũng đã triển khai kết nối và liên thông dữ liệu với các tỉnh/thành phố. Thông qua đó cung cấp dịch vụ điện qua các nền tảng công dân số của các tỉnh/thành phố như Thái Nguyên ID, góp phần tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, người dân sử dụng điện, gia tăng lợi ích cho các doanh nghiệp, các đối tác và các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử. 

Ông Đào Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Dù ngành Điện cũng có App, các nền tảng website, cổng thông tin để cung cấp các dịch vụ trực tuyến; tuy nhiên, để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp, EVN đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên kết nối thành công hai hệ thống thông tin của Điện lực và ID Thái Nguyên. Sự kết nối này giúp người dân và doanh nghiệp ở Thái Nguyên hoàn toàn có thể sử dụng nền tảng Thái Nguyên ID để thực hiện các dịch vụ do Điện lực cung cấp, mang lại tiện ích, sự thuận lợi nhất cho khách hàng.

Xác định chuyển đổi số sẽ không có điểm cuối, EVN đã và đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp nền tảng và kiến trúc công nghệ thông tin, thiết lập hệ thống EVN Cloud, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong tương lai, EVN hướng tới mục tiêu, tập đoàn sẽ tham gia vào hệ sinh thái của quốc gia; khách hàng, đối tác có thể tham gia vào hệ sinh thái của EVN theo mô hình của nền kinh tế chia sẻ. 

Những kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số của EVN

- Đã thực hiện 401.998 giao dịch với hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư

- Trên 700.000 hóa đơn điện tử được luân chuyển qua cổng kết nối với Tổng cục Thuế

- Công bố 14 API kết nối với các nền tảng số

- Cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4

- 99,67% khách hàng thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt.

- 99,15% hợp đồng mua bán điện thực hiện theo phương thức điện tử 

- 98% thiết bị chính tương ứng 1,9 triệu hồ sơ của nhà máy điện và lưới điện đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thiết bị phần mềm PMIS; 

- 100% TBA 110kV và 84% TBA 220kV vận hành theo chế độ không người trực và điều khiển từ xa 

- 100% gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng

Các giải thưởng tiêu biểu  

- 4 năm liền đạt giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”: 2019, 2020, 2021, 2022.

- Năm 2022 được vinh danh “Top doanh nghiệp Công nghiệp 4.0”.

- Sản phẩm SmartEVN được giải Sao Khuê 2022

- Hệ thống phần mềm “Quản lý đầu tư xây dựng IMIS 2.0” của EVNICT đạt “Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2022”…


  • 26/01/2023 07:00
  • Theo Tạp chí Điện lực số quý IV năm 2022
  • 6109