Tham dự lễ trao giải có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ tịch Vusta kiêm Chủ tịch Qũy VIFOTEC Phan Xuân Dũng.
Giải thưởng VIFOTEC là giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ thường niên do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trao Giải thưởng VIFOTEC là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền KHCN nước nhà, khích lệ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước.
Qua 28 lần tổ chức, kể từ năm 1995 đến nay, Giải thưởng đã từng bước khẳng định uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật, được các nhà khoa học trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Qua đó cũng khẳng định tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Chúc mừng các nhà khoa học, các tác giả có công trình đoạt Giải thưởng, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn những nghiên cứu, sáng tạo của các công trình này sẽ được ứng dụng trong thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước chúng ta phát triển phồn vinh.
Năm 2023, trong số 130 công trình tham gia dự thi, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 47 sản phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 16 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Đây là các công trình đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống.
Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới, các nhóm tác giả trong EVN đã đạt được 1 giải Nhì, 1 giải Ba, bao gồm:
- Giải Nhì: Công trình “Nghiên cứu, xây dựng và tích hợp hệ thống giám sát vận hành trạm biến áp phân phối với chương trình quản lý mất điện (OMS) và bản đồ địa dư (GIS)”; nhóm tác giả: TS. Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (chủ nhiệm); ThS. Nguyễn Ngọc Khoa; ThS. Phan Hoàng San; ThS. Đinh Đình Huy; KS. Nguyễn Nhật Minh; KS. Nguyễn Phạm Trí Dũng. Đơn vị chủ trì: Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC).
TS. Luân Quốc Hưng – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đại diện nhóm tác giả nhận giải Nhì
|
- Giải Ba: Công trình “Nghiên cứu xây dựng công cụ hỗ trợ hệ thống tự động điều khiển phát điện – Automatic Generation Control (AGC) nhằm giám sát lưới điện nội vùng và liên vùng trên hệ thống điện Việt Nam khi có sự thâm nhập tỉ trọng cao các nguồn năng lượng tái tạo”; nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (chủ nhiệm); ThS. Đinh Xuân Đức (đồng chủ nhiệm); ThS. Phạm Quỳnh (đồng chủ nhiệm); ThS. Phùng Đăng Huy; ThS. Lại Việt An. Đơn vị chủ trì: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Nhóm tác giả Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia nhận giải Ba
|
Chia sẻ về công trình nghiên cứu của EVNHCMC, ông Luân Quốc Hưng - Chủ nhiệm công trình, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, dự án “Nghiên cứu, xây dựng và tích hợp hệ thống giám sát vận hành trạm biến áp phân phối với chương trình quản lý mất điện (OMS) và bản đồ địa dư (GIS)” không chỉ đem lại lợi ích cho ngành Điện mà còn phục vụ cho hơn 10 người triệu dân thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của công trình nghiên cứu này giúp EVNHCMC nâng cao năng lực giám sát, vận hành lưới điện. Hiện tại, hệ thống này đã được đưa vào sử dụng để giám sát các trạm biến áp điện phân phối của EVNHCMC. Khi ứng dụng công trình này vào thực tiễn, đã giúp đơn vị tiết kiệm chi phí với số tiền ước tính khoảng 85 tỉ đồng/năm.
Giải thưởng VIFOTEC đã khuyến khích việc tìm tòi, sáng tạo các công trình khoa học công nghệ có khả năng giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.