Xây dựng hệ sinh thái số
Tháng 4/2021, Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên (Hải Phòng) được nghiệm thu, đóng điện, đưa vào sử dụng. Đây là trạm biến áp số đầu tiên của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư, cũng là trạm biến áp số cấp điện áp 220kV đầu tiên trên toàn quốc. TBA số không chỉ là công nghệ mới với Việt Nam mà còn với các nước tiên tiến. Việc đầu tư xây dựng trạm biến áp số, ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ 4.0 để vận hành lưới điện mới chỉ là khởi đầu tạo đột phá về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện.
Tới năm 2025, sẽ có 100% thiết bị điện trên lưới điện truyền tải được số hóa, được cập nhật đầy đủ về số lượng và dữ liệu thông tin trên phần mềm Quản lý kỹ thuật PMIS. Cùng đó, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), big data để khai thác dữ liệu trong PMIS phục vụ sửa chữa, tối ưu hệ thống điện. AI cũng sẽ được ứng dụng trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh, giám sát các đường dây cao thế…
AI sẽ được ứng dụng trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh, giám sát các đường dây cao thế… Ảnh: ĐVCC
|
Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin. Đề án cũng đề ra 92 nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị trong toàn Tập đoàn thực hiện.
Lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn sẽ xây dựng hệ sinh thái số EVN; trong đó, kết nối thống nhất các sáng kiến chuyển đổi số từ các đơn vị thành viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng cũng có thể tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số này trên tinh thần hợp tác của kinh tế chia sẻ. EVN mong muốn xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái số này, vì mục tiêu hiện đại hóa, phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin
Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng với EVN, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Yêu cầu chuyển đổi số sớm và thành công là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả SXKD của Tập đoàn.
Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số sẽ gặp khó khăn nhất định, do Tập đoàn vẫn còn một số hạn chế về năng lực nghiên cứu công nghệ mới, về tiếp nhận, ứng dụng, khai thác công nghệ số. Sự nhận thức về chuyển đổi số của một số lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn còn chưa đầy đủ, toàn diện.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; thực hiện cách mạng trong nhận thức và tư duy của mỗi CBNV-NLĐ của EVN. Các kế hoạch truyền thông, tuyên truyền tới mọi CBNV-NLĐ trong Tập đoàn được triển khai với tiêu chí truyền thông cụ thể, sinh động, dễ hiểu.
Để triển khai hiệu quả công việc, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã được thành lập; Chủ tịch HĐTV EVN trực tiếp làm Trưởng ban, và các lãnh đạo Tập đoàn là Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Tiếp đó, 7 tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD EVN cũng đã được thành lập, khẩn trương bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.
EVN xác định chuyển đổi số song hành với công tác đảm bảo an toàn thông tin. Ảnh minh họa
|
Về phía các tổng công ty trong EVN cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Các đơn vị cũng đã được Tập đoàn giao chủ động và sáng tạo trong huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số tại đơn vị để đi tắt, đón đầu xu thế công nghệ, vận dụng và ứng dụng có hiệu quả và hoạt động của đơn vị; có cơ chế thu hút những nhân sự xuất sắc để dẫn dắt công nghệ trong EVN.
Để chuyển đổi số song hành với công tác đảm bảo an toàn thông tin, Tập đoàn sẽ xây dựng hệ thống SOC (Security Operation Center); rà soát, cập nhật hoàn thiện các quy trình vận hành, quy định về an ninh, an toàn thông tin liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin và cho hệ thống điều khiển, điều độ, vận hành hệ thống điện.
“EVN phấn đấu năm 2022 hoàn thành cơ bản chuyển đổi số; năm 2025 trở thành doanh nghiệp hoạt động trên môi trường số, đáp ứng tốt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong quá trình thực hiện, EVN tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong định hướng chuyển đổi số và đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành khẳng định.
Trọng tâm chuyển đổi số của EVN:
- “Số hóa dữ liệu”: Mục tiêu “Một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”.
- “Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số.
- “Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số
- Tiếp ứng dụng khoa học công nghệ; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
|