EVN đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào mọi hoạt động, mang lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí.

 

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN đại diện Tập đoàn nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2019 - Ảnh: Minh Hạnh

Số hóa mọi hoạt động

Hiện nay, các đơn vị trong EVN đã đưa nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại vào quản lý, vận hành hệ thống điện. Điển hình, 100% lưới điện trung thế và 100% TBA 110 kV của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh được giám sát và điều khiển từ xa; ứng dụng thiết bị bay không người lái của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia để kiểm tra đường dây; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot) trong công tác chăm sóc khách hàng, sửa chữa điện hotline của các tổng công ty điện lực;...

Đến nay, EVN đã điều khiển xa cho 599/810 trạm biến áp 220-110kV (chiếm gần 74%); qua đó, giảm được số lượng nhân viên trực vận hành tại 403 trạm biến áp (chiếm gần 50% tổng số trạm), nâng cao năng suất lao động hiệu quả.

Ngoài ra, các ứng dụng quản lý mất điện OMS, hợp đồng mua bán điện số, phần mềm SCADA/EMS/MMS, tự động điều khiển tổ máy AGC ở các trung tâm điều độ, hệ thống quan trắc thủy văn cho các nhà máy thủy điện, hệ thống giám sát môi trường online ở các nhà máy nhiệt điện,..., cũng đã, đang mang lại hiệu quả cao.

Khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam có thể công khai đánh giá chất lượng, thái độ giao dịch viên trên hệ thống phần mềm được lắp đặt tại Phòng giao dịch khách hàng - Ảnh: H.Hoa

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, EVN đã chủ động tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điển hình, EVN là một trong những đơn vị tiên phong triển khai văn phòng điện tử (E-Office) từ 20 năm trước. Đến nay, 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc. EVN cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn Tập đoàn với kết quả hiện tại là 95% văn bản trong Tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử.

Năm 2013, EVN cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Việc phát hành hóa đơn điện tử không chỉ hiện đại hóa, thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh của EVN, mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử trên mạng giữa EVN và khách hàng.

Không dừng lại ở đó, dù không phải là cơ quan hành chính công, nhưng từ năm 2013, các dịch vụ điện đã được EVN phục vụ tương đương dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1 và đến năm 2018 đã đạt tương đương dịch vụ công cấp độ 4 – cấp độ cao nhất. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng công nghệ. Trong năm 2019, EVN đặt mục tiêu cung cấp các dịch vụ điện tới khách hàng theo phương thức giao dịch điện tử.

Đặc biệt, EVN cũng đã nâng cấp và triển khai thống nhất các hệ thống phần mềm phục vụ công tác kinh doanh và cung cấp dịch vụ điện; nâng cấp website chăm sóc khách hàng, kết nối đến trung tâm hành chính công, cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến 63 tỉnh/ thành phố, đảm bảo sự công khai, minh bạch cũng như tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận các dịch vụ điện...

Hiệu quả thiết thực

Việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa, nâng cao động sản xuất - kinh doanh của Tâp đoàn, làm hài lòng khách hàng sử dụng điện. Kết quả này được minh chứng rõ nét qua các con số như: Tỉ lệ tổn thất điện năng năm 2018 đã giảm xuống còn 6,83%, giảm 0,41% so với năm 2017. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn hàng năm đều tăng trên 10%; riêng từ năm 2016 đến nay tăng trên 11%.

Trung tâm Điều khiển xa của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh có chức năng điều khiển toàn bộ lưới điện của thành phố từ xa - Ảnh: H.Hoa

Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên. Nếu năm 2013, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện do các tổ chức độc lập thực hiện cho thấy EVN chỉ đạt 6,45/10 điểm, thì đến năm 2018 đã đạt 8,11 điểm.

Những nỗ lực của EVN cũng đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận. Năm 2018, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam được tổ chức Doing Business – Ngân hàng Thế giới xếp hạng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới và lọt Top 4 ASEAN. Năm 2019, EVN cùng một số đơn vị trực thuộc đã được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019

Hiện nay, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN”. Trong đó, Tập đoàn đã phê duyệt và giao các đơn vị thực hiện 36 đề án, dự án thành phần, với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0, từng bước đưa EVN trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực.


  • 24/10/2019 08:51
  • H. Hoa
  • 7931