Tổng công ty Điện lực TP HCM đã điều khiển xa và tự động khóa lưới điện 110 kV và lưới điện trung thế
|
Cụ thể, từ năm 2018, Tập đoàn đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số. Năm 2019, Tập đoàn đã thông qua 13 trên tổng số 40 đề án/dự án thành phần của Đề án này.
Trong đó, một số đề án thành phần đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Số hóa công tác Quản lý kỹ thuật lưới điện phân phối của Tổng công ty Điện lực miền Trung; Phát triển lưới điện thông minh của Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh đối với cấu phần tự động hóa lưới điện...
Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý vận hành cũng được chú trọng và tăng cường, nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành và tăng năng suất lao động. Đặc biệt, EVN đã đưa vào vận hành 57 trung tâm điều khiển và thực hiện điều khiển xa cho 625 trạm biến áp 220-110kV không người trực, chiếm 75,6% tổng số trạm biến áp.
EVN cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Tập đoàn đã nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung và triển khai thống nhất trong toàn EVN. Tỷ lệ phát hành văn bản điện tử, ký số trên môi trường điện tử tại nhiều đơn vị đạt trên 80%, góp phần rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện. Hiện nay, EVN đang triển khai hệ thống E-cabinet (phòng họp không giấy), "số hóa" được trên 90% các quy trình nghiệp vụ.
Theo đánh giá sơ bộ, quá trình chuyển đổi số của EVN hiện đã đạt trên 50%. Tập đoàn đang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số.
Trong công tác dịch vụ khách hàng, EVN đã triển khai cung cấp dịch vụ điện cấp độ 4 từ cuối năm 2018, hoàn thành nâng cấp và triển khai thống nhất các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và quản lý đến tất các các công ty điện lực; cung cấp hợp đồng điện tử trong năm 2019; kết nối đến Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các trung tâm hành chính công/cổng thông tin dịch vụ công của 63 tỉnh thành...