Công trình nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm (tại Ninh Thuận) mới hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối tháng 10/2019
|
Đến nay, các công trình đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch tại văn bản 1891/TTg-CN ngày 27/12/2018 như: Nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm; bổ sung máy biến áp thứ 2 tại TBA 220 kV Hàm Tân; xây dựng TBA 220 kV Phan Rí và đường dây đấu nối; xây dựng TBA 220 kV Ninh Phước và đường dây đấu nối và nâng công suất các trạm 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh,... đều được các đơn vị trực thuộc EVN triển khai đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, dự án nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm đã đóng điện vào tháng 10/2019, vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch; dự án xây dựng máy biến áp thứ 2 trạm 220 kV Hàm Tân, về đích trước 2 tháng so với tiến độ được phê duyệt.
Tuy nhiên, các công trình lưới điện 220 kV nêu trên được tính toán nhằm giải tỏa công suất nguồn điện NLTT đã được phê duyệt tính đến tháng 8/2018. Trong khi đó, từ tháng 8/2018 - 12/2018, đã có thêm các nhà máy NLTT tiếp tục được bổ sung qui hoạch, gây đầy và quá tải một số đường dây 110 kV và TBA 220 kV khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.
Chính vì vậy, nhằm tăng cường năng lực lưới điện truyền tải và giải tỏa hết công suất các nguồn điện NLTT đã đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019 trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận trong năm 2020, EVN đã chủ động báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung qui hoạch một số dự án.
Cụ thể, điều chỉnh từ qui mô công suất TBA 220 kV Phước Thái từ 250 MVA lên 625 MVA, giao EVN làm chủ đầu tư dự án, phấn đấu hoàn thành năm 2020; bổ sung quy hoạch TBA 220/110kV Vĩnh Hảo và nhánh rẽ 220 kV, giao chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời tại khu vực Bình Thuận đầu tư và quản lý vận hành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung qui hoạch các đường dây: 110 kV Phước Thái – Phước Hữu và Phước Thái - Phước Hữu ĐL 1.
Tính đến nay, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã đạt 4.600 MW; trong đó có 41 nhà máy đã được đưa vào vận hành với tổng công suất khoảng 2.140 MW.