Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Hội nghị do Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối tới UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên cả nước. 130.700 đại biểu tham dự hội nghị qua gần 11.000 điểm cầu trên cả nước.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ.
Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị - Nguồn ảnh: chinhphu.vn
|
Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã kiện toàn và thành lập Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia; ban hành và đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng thể chế chính sách và nhiều hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trong 6 tháng đầu 2022, Đề án 06 đã được triển khai từ Trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cũng như phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội.
Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng.
Với các dịch vụ điện của EVN, khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDL dân cư) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, giúp người dân/khách hàng rất thuận tiện vì các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong Giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu được thay thế bằng các thông tin: Số định danh cá nhân của công dân; Số chứng minh thư nhân dân; Địa chỉ thường trú của công dân; Thông tin họ và tên đầy đủ của công dân; Nơi ở hiện tại của công dân; Thông tin chủ hộ của công dân; Số sổ hộ khẩu trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham dự hội nghị
|
Sự kết nối này cùng với việc chuyển đổi số trong giải quyết các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của EVN mang lại hiệu quả thiết thực như: tiết giảm chi phí đi lại; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với gần 20 triệu trang hồ sơ tương ứng cho việc ký 1 triệu hợp đồng mua bán điện mới và khoảng 1 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký của khách hàng. Các hồ sơ giấy này được thay thế bằng thông tin CSDL dân cư, thông tin trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và hồ sơ giao dịch điện tử giữa Điện lực và khách hàng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp cùng với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ và các Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an, để kết nối kỹ thuật, kiểm tra các điều kiện về an toàn, bảo mật thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ từ năm 2021. Do đó, khi Đề án 06 được ban hành, EVN đã ngay lập tức cùng tham gia với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ triển khai việc chuyển đổi hệ thống kết nối trên môi trường kiểm thử sang môi trường thật. Kết quả, 2 dịch vụ điện: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán (trong 25 dịch vụ thiết yếu theo Đề án 06) được EVN hoàn thành sớm 4 tháng so với tiến độ được Thủ tướng giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg.
Hiện nay, toàn bộ các dịch vụ điện được EVN cung cấp trực tuyến đã đạt mức độ 4, là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đồng thời, ngành Điện cũng là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đã, đang chủ động trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đáng chú ý, số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các Bộ/ngành/địa phương trên Cổng.
Song song với quá trình làm việc việc kết nối, chia sẻ với CSDL Dân cư, EVN chủ động báo cáo và làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp để nhận được sự hướng dẫn về việc thực hiện các quy định liên quan đến việc cung cấp điện mới, thay đổi hợp đồng mua bán điện khi ứng dụng thông tin trong CSDL dân cư để thay thế các giấy tờ về lưu trú như sổ hộ khẩu, số tạm trú…
Để đạt được kết quả như trên là do quyết tâm triển khai từ các cấp lãnh đạo, sự chủ động tích cực hỗ trợ của Tổ công tác, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – VPCP đối với EVN trong quá trình kết nối và việc vào cuộc của các Bộ ngành liên quan để kịp thời hướng dẫn, sửa đổi các quy định hiện hành, tạo hành lang và cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng CSDL Dân cư.
Trong thời gian tới, theo Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp sẽ không còn hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023 và có thể được thu hồi trước thời hạn nêu trên trong trường hợp công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, nhu cầu khai thác thông tin CSDL dân cư của tất cả các dịch vụ cấp độ 4 mà ngành Điện đang cung cấp là tất yếu. Vì vậy, EVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an mở rộng kết nối CSDL dân cư cho toàn bộ các dịch vụ điện của EVN hiện đang cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trong 7 tháng đầu năm 2022:
- EVN đã tiếp nhận gần 8,4 triệu yêu cầu dịch vụ điện, trong đó 99,9% các yêu cầu chủ yếu được tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, Trung tâm Hành chính công, Tổng đài CSKH/Website CSKH/App CSKH.
- Với 2 dịch vụ "Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp" và "Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Khách hàng đã yêu cầu 875.300 lượt dịch vụ, trong đó có 232.500 lượt khách hàng đã khai thác thông tin chia sẻ từ CSDL dân cư và 27.300 lượt khai thác thông tin về hộ gia đình trong CSDL dân cư.
|