Tham gia đoàn các đại diện các ban chuyên môn của EVN, lãnh đạo và các ban chuyên môn, ban quản lý dự án thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Mục đích chuyến công tác nhằm thu thập thông tin, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong vận hành hệ thống điện khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo nối lưới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Tại Vương quốc Anh, đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan thuộc Chính phủ và cácdoanh nghiệp Anh, gồm: Bộ An ninh Năng lượng (BEIS); Bộ Kinh tế và Thương mại (DIT); Tổng công ty Lưới điện Quốc gia (National Grid), các trung tâm Điều độ hệ thống điện; Cơ quan Điều tiết thị trường điện và khí đốt (OFGEM); các công ty BP, Crown Estate, Carbon Trust và một số công ty chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi.
Đoàn công tác làm việc với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện (National Grid)
|
Vương quốc Anh là nước dẫn đầu thế giới về nguồn điện gió ngoài khơi (vượt Đan Mạch vào cuối năm 2008). Tại Anh có 14 vùng, với 8 trung tâm điều độ thực hiện điều độ trên toàn hệ thống. Hiện tại, tổng điện năng của toàn hệ thống là 334,2 tỷ kWh, công suất đặt là 76,6GW. Với điện gió ngoài khơi, hiện tại công suất đặt là 13,8GW, dự kiến sẽ phát triển lên 50GW vào năm 2030 và 125GW vào năm 2050. Giá điện gió ngoài khơi tại Anh vào khoảng 37 GBP/MWh (tương đương khoảng 1.100 VNĐ/kWh).
Trong thời gian qua, National Grid tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ mới để ứng phó biến đổi khí hậu và thách thức bền vững. Ngành công nghiệp điện gió đóng vai trò chính trong giảm thải cacbon của ngành Điện ở Anh quốc và trên toàn cầu. Tại các công ty thuộc chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ nhằm phát triển điện gió ngoài khơi, đoàn công tác đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm thực tế, các hoạt động, sáng kiến, công nghệ và chiến lược được áp dụng nhằm hỗ trợ quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để đạt được cam kết này, ngành Điện cũng như các ngành khác đang phấn đấu góp phần đạt mục tiêu cam kết của Chính phủ.
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cảm ơn Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã hỗ trợ và tổ chức chuyến công tác để hai bên chia sẻ thông tin thực tế về lưới điện, những khó khăn, thách thức và cách giải quyết. Hy vọng thời gian tới, ngành Điện Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Anh để các chuyên gia Anh quốc sang Việt Nam thực hiện đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong vận hành hệ thống điện và đặc biệt là phát triển điện gió ngoài khơi, giúp EVN đầu tư, phát triển lưới điện hiện đại, vận hành an toàn, hiệu quả và giảm phát thải, tiến tới góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.