Tham dự buổi làm việc, về phía UBND TP.HCM có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các quận, huyện.
Về phía EVN, có ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN; ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN; ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN, lãnh đạo các Ban chuyên môn EVN; lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC).
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, xác định TP.HCM là thành phố công nghiệp, phát triển năng động nên lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng. Thời gian qua, hệ thống chính trị của Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với ngành Điện trong triển khai các dự án điện trên địa bàn, nhưng thực tế một số dự án vẫn gặp vướng mắc.
Ông Dương Anh Đức yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EVN và các đơn vị thành viên của Tập đoàn, để kịp thời tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trên địa bàn, đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn tới.
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cùng chủ trì buổi làm việc
|
Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN cảm ơn Thành ủy, UBND TP.HCM thời gian qua đã hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng như các đơn vị của EVN đóng chân trên địa bàn.
Tổng giám đốc EVN cho biết, năm nay, tổng thời gian mất điện trung bình cả năm của 01 khách hàng sử dụng điện (chỉ số SAIDI) tại TP.HCM chỉ khoảng 40 phút. Đây là kết quả tốt nhất cả nước. EVN và các đơn vị đã và đang tập trung nguồn lực lớn để đầu tư, nâng cấp lưới điện trên địa bàn, đảm bảo có độ dự phòng cao. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án lưới điện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc khiến một số công trình điện quan trọng bị chậm tiến độ, dẫn đến mức dự phòng lưới điện thành phố bị giảm so với các năm trước đây.
Cụ thể, vướng mắc liên quan thủ tục bàn giao đất công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP như tại dự án TBA 220kV Tân Cảng, TBA 110kV Kỳ Hòa, TBA 110kV An Phú Đông; một số dự án gặp vướng mắc về kế hoạch sử dụng đất liên quan Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ, công tác điều chỉnh quy hoạch đất đai và quy hoạch lưới điện, công tác thoả thuận hướng tuyến đường dây và vị trí trạm; công tác bồi thường, GPMB...
Cùng với các công trình đang triển khai, giai đoạn 2021-2025, EVN và các đơn vị phải hoàn thành đưa vào vận hành 11 công trình lưới điện 500-220kV; các công trình đồng bộ với các dự án lưới điện 220-110kV, với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 24.400 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN mong muốn Thành ủy, UBND TP.HCM tiếp tục hỗ trợ tối đa cho EVN và các đơn vị trong thời gian tới
|
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho TP.HCM giai đoạn tới, EVN đề nghị Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo UBND các quận/huyện, các Sở ngành chức năng tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các đơn vị điện lực trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch được duyệt; hỗ trợ EVNNPT, EVNHCMC giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường GPMB.
Đối với các dự án thuộc danh mục các dự án lưới điện trọng điểm, đề nghị các Sở, ban ngành hỗ trợ thỏa thuận tuyến hoặc bàn giao mặt bằng thi công song song với việc triển khai các thủ tục phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư hoặc “cung cấp hồ sơ pháp lý về giao đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật”...
Theo báo cáo của EVN, trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn nói chung, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) nói riêng đã đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố với sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 5,39%/năm.
Độ tin cậy lưới điện, chất lượng dịch vụ điện ngày càng được nâng cao. Trong đó, hệ thống lưới điện 500 - 220 - 110kV trên địa bàn có kết cấu mạch vòng, liên kết mạnh, các trạm biến áp đều được cấp điện từ ít nhất từ hai đường dây đảm bảo vận hành tin cậy, linh hoạt. Tổn thất điện năng trên lưới phân phối năm 2020 ước đạt 3,45%.
Đặc biệt, EVNHCMC đã có những bước tiến vượt bậc để góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam lên thứ hạng 27/190 nền kinh tế và thứ 4 khu vực ASEAN từ năm 2019.
Mai Hương
Share