EVN lên phương án ứng phó với mùa mưa bão 2018

Đây là nội dung chính tại buổi họp của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chủ trì, ngày 6/4, tại Hà Nội.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam họp bàn phương án ứng phó với thiên tai năm 2018

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với mùa mưa bão 2018, ngay từ thời điểm này.

Trong đó, các đơn vị quản lý lưới điện phải tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện; đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, triền dốc, bờ sông. Chuẩn bị vật tư, nguồn lực để khôi phục cấp điện trở lại nhanh nhất và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khác khi thiên tai xảy ra.

Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, yêu cầu kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng; đảm bảo có đầy đủ số liệu thủy văn để vận hành hồ chứa; rà soát phương án thông tin, liên lạc, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống.

Đồng thời, phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan kiểm tra thực tế dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình.

Đảm bảo hệ thống cảnh báo cho vùng hạ du đập khi vận hành, xả lũ hồ chứa và hệ thống camera giám sát tại thượng lưu, hạ lưu các hồ chứa, truyền hình ảnh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, các ban chỉ huy PCTT và TKCN địa phương luôn hoạt động tốt, liên tục.

Năm 2017, Điện lực là 1 trong các lực lượng được Chính phủ biểu dương về làm tốt công tác ứng phó với thiên tai. Theo ông Trịnh Xuân Nguyên – Phó Trưởng ban An toàn EVN, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng là việc quán triệt các đơn vị thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, sự điều động, hỗ trợ, chi viện, phối hợp kịp thời của các đơn vị trong Tập đoàn đã giúp công tác khôi phục cung cấp điện sau bão diễn ra nhanh chóng, an toàn. 

Ngoài ra, khi lưới điện bị thiệt hại trên diện rộng, phải tập trung lực lượng khắc phục theo trình tự có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các phụ tải đặc biệt quan trọng như cơ quan chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập,... 

Cũng theo ông Nguyên, trong phương án PCTT của mỗi đơn vị, ngoài số vật tư, thiết bị dự phòng nội bộ, cần làm việc trước với các đơn vị có năng lực bên ngoài để sẵn sàng huy động nhằm giúp cho công tác khắc phục sau bão diễn ra nhanh nhất, thuận lợi nhất. 

Năm 2017 được ghi nhận kỷ lục về số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (20 cơn) đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, bão số 10 (Doksuri) và bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào khu vực  miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Điện. Ngoài ra, các đợt mưa lũ lớn, lưu lượng nước đổ về hồ Hòa Bình 16.500 m3/s, nhưng không phải mùa lũ cho thấy diễn biến bất thường, phức tạp và khó dự đoán của thời tiết. 


  • 06/04/2018 01:15
  • Xuân Tiến
  • 11424