“Số hóa” để tăng độ chính xác
Ông Đào Minh Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Năng lực số (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 - PECC2) hào hứng nói về những bước chuyển đổi số đang được PECC2 áp dụng.
Là đơn vị hàng đầu về tư vấn năng lượng, đại diện PECC2 cho hay, các bản thiết kế 2D hiện nay đã trở nên lỗi thời khi có nhiều hạn chế trong việc chuyển giao thông tin từ nhóm thiết kế sang nhóm xây dựng. Với quy trình thiết kế 2D truyền thống, khối lượng hồ sơ thiết kế có thể lên đến hàng chục container, bên cạnh đó, tất cả các dữ liệu không có sự liên kết đồng nhất và tự động nên việc cập nhật và bổ sung vô cùng khó khăn, đặc biệt khó phát hiện được các xung đột trong công trình.
Ngày nay, công nghệ đang dần thay đổi cách các công trình được thiết kế, xây dựng và vận hành khi PECC2 áp dụng BIM (Building Information Model). Công nghệ này được ví như “bộ não thông minh” của ngành xây dựng hiện đại, và là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.
Ảnh minh họa
|
“Toàn bộ quá trình làm việc dựa trên bộ thông tin này và chúng luôn được chỉnh sửa, bổ sung liên tục trong suốt quá trình làm việc: Từ lúc phác thảo cho đến lúc công trình được hoàn thiện. Với BIM, dữ liệu thông tin sẽ được lưu trữ trên hệ thống đám mây, từ đó giúp dễ dàng trao đổi và tương tác giữa các bên tham gia dự án một cách chính xác. Các cảnh báo về xung đột và những điểm bất hợp lý cũng được phát hiện một cách thông minh và linh hoạt thông qua mô hình thiết kế 3D”, đại diện PECC2 cho biết.
Được xem là một yếu tố mang tính cách mạng trong thiết kế, xây dựng và quản lý dự án, BIM đang dần trở thành một trong những yếu tố quyết định sự tăng trưởng của các nhà thầu trên thế giới.
Với ứng dụng Scan to BIM, hiện trạng của công trình sẽ được chụp lại một cách chi tiết với những thông tin chuẩn xác nhất. Với khả năng khôi phục chính xác mô hình nguyên trạng của công trình cũng như những dữ liệu đã bị mất, việc phục hồi các dữ liệu công trình hoàn công đã bị hư hỏng không còn quá khó khăn.
“Công tác quản lý, vận hành từ đây cũng có thể trực quan và hiệu quả hơn. Với mô hình BIM, chúng tôi có thể quản lý và sử dụng không gian của công trình thay vì phải đi vào các công trình đó trên thực địa, đặc biệt là các vị trí có mức độ nguy hiểm cao không thể đến trực tiếp”, ông Đào Minh Hiển chia sẻ.
Bên cạnh đó, ứng dụng có thể đánh giá các lỗi sai khác và biến dạng của công trình theo thời gian, từ đó có thể giúp đánh giá độ an toàn của công trình và lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro, thiên tai. Một thư viện điện tử công trình sẽ được thiết lập và gắn liền với mô hình giúp lưu trữ lâu dài hồ sơ công trình trên không gian số thay cho các thư viện hiện hữu rời rạc.
Nhìn lại quá trình chuyển đổi số thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nam, Phó Tổng giám đốc PECC2 kể: “Hồi chúng tôi vào công ty, người làm thiết kế, người làm công tác khảo sát. Vì làm thủ công, băng rừng, núi để đo đạc, khảo sát nên có khi bị sai về thiết kế, khi đó chủ đầu tư cũng bị thiệt hại. Nhưng với sự phát triển như hiện nay, sự nghiêm túc trong quản lí chất lượng dự án đầu tư xây dựng, thì các chủ đầu tư không cấp nhận những sai sót đó. Chúng tôi đứng trước lựa chọn đi tiếp hay là chết. Do đó, chúng tôi đã đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin. Rất vui mừng là ít nhất cho đến ngày hôm nay, những lỗi trong khảo sát, thiết kế ngày càng giảm đi, hiệu quả công việc cao hơn”.
“Ngày xưa chúng tôi phải mất 5 năm mới chủ trì được một thiết kế thì giờ đây, các bạn trẻ chỉ mất 12-18 tháng là làm được rồi. Đó là hiệu quả rất rõ ràng và thực tế”, ông Nguyễn Trọng Nam chia sẻ.
Ứng dụng Al để giám sát công trình
Tăng cường áp dụng công nghệ trong quản lý đầu tư xây dựng, ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết: Tổng công ty đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực Thị giác máy tính để thực hiện tự động kiểm tra hình ảnh các vị trí thi công công trình được cập nhật trên chương trình Quản lý đầu tư xây dựng - IMIS, nhằm xác định các đối tượng trong hình ảnh, cụ thể: Móng bê tông; Cán bộ giám sát; Tiếp địa; Thước đo; Bảng hiệu.
Mục tiêu là tự động kiểm tra hình ảnh các vị trí thi công công trình được cập nhật trên chương trình Quản lý đầu tư xây dựng - IMIS, nhằm xác định các đối tượng trong hình ảnh như Móng bê tông; Cán bộ giám sát; Tiếp địa; Thước đo; Bảng hiệu.
Ông Đỗ Minh Cường, Trưởng ban Viễn thông CNTT giải thích thêm: “Các công trình điện có nhiều công trình ngầm như móng cột, mương cáp ngầm, cho nên việc kiểm tra thực tế gặp không ít khó khăn. Những hình ảnh được tư vấn giám sát gửi về, mỗi hình ảnh mất 3 phút kiểm tra. Như vậy không thể nào sức người đọc hết được. Sau đó, Ban đã nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo để đọc các hình ảnh. Kết quả là 289 dự án năm 2020-2021, tương ứng với 163.283 hình ảnh đã xử lý qua IMIS-AI”.
Ông Cường cho biết gần như 100% hình ảnh được kiểm tra, so với khi chưa áp dụng Al chỉ 30% hình ảnh được đọc.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các đơn vị của EVN đã giúp giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất lao động. EVN đang ngày càng khẳng định vị trí nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số.
Link gốc