Diễn đàn cấp cao ngành Điện các nước khu vực Mekong – Lan Thương được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2014, theo sáng kiến của Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG). Các thành viên chính của diễn đàn gồm: CSG, Tổng công ty Điện lực Campuchia (EDC), Tổng công ty Điện lực Lào (EDL), Tổng công ty phát điện Thái Lan (EGAT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Các đại biểu của EVN tham dự trực tuyến Diễn đàn cấp cao ngành Điện các nước Mekong – Lan Thương từ Hà Nội.
|
Diễn đàn nhằm nắm bắt tình hình phát triển của mỗi ngành Điện thành viên, đồng thời xác định vai trò quan trọng của hợp tác điện lực, nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện cho từng quốc gia và an ninh năng lượng cho khu vực thông qua khai thác tối ưu các nguồn điện và lưới điện đấu nối có đủ năng lực truyền tải qua biên giới.
Đại diện của EVN tham gia diễn đàn năm nay, ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Quan hệ quốc tế EVN cho biết: Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 76.620MW, trong đó thủy điện chiếm 28,5%, nhiệt điện than chiếm 32,2%, nhiệt điện khí chiếm 9,3%, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW, chiếm tỷ trọng 27%. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam trong năm 2020-2021 sụt giảm đáng kể (năm 2020 tăng trưởng 3,4%, năm 2021 tăng trưởng 3,8% so với mức tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2016-2019). Dự báo giai đoạn 2022-2025, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ hồi phục và tiếp tục tăng trưởng ở mức khoảng 7-9%/năm.
Để đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc phát triển các nhà máy điện trong nước với quy mô công suất đưa vào vận hành thêm khoảng 5.000-7.000MW mỗi năm, Việt Nam cũng sẽ tăng cường trao đổi và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, góp phần đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng cho Việt Nam và tăng cường hợp tác giữa các nước.
Ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Quan hệ quốc tế EVN đại diện EVN trình bày tham luận tại hội nghị
|
Về tình hình kết nối lưới điện, trao đổi điện năng với các nước láng giềng, ông Phan Minh Tuấn cho biết: Hiện nay, Việt Nam có kết nối, trao đổi điện năng với các nước Campuchia, Lào và Trung Quốc thông qua các đường dây truyền tải điện.
Về chủ đề “Phát triển xanh và Cacbon thấp hướng tới tương lai chia sẻ”, tại Hội nghị COP26 được tổ chức vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để triển khai thực hiện mục tiêu trên, nội dung dự thảo mới nhất về Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) của Việt Nam định hướng ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch như LNG và năng lượng tái tạo, giảm tỷ trọng các nguồn nhiệt điện than. Mục tiêu tới năm 2025, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện là 20.416 - 23.332MW. Đây là một bước đi mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nói chung và lĩnh vực điện nói riêng để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, bền vững.
Trong thời gian vừa qua, EVN cũng đã phối hợp trao đổi, làm việc với nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Phái đoàn của Liên minh Châu Âu, Đặc phái viên của Chính phủ Anh cho COP26, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Đức,... để trao đổi về các cơ hội hợp tác, tài trợ vốn cho quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, phát triển xanh trong ngành Điện.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn tiếp tục được hợp tác với các đối tác và mong Chính phủ các nước trong Hợp tác Mekong – Lan Thương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy việc tăng cường trao đổi điện năng giữa các nước, cũng như trao đổi các kinh nghiệm, bài học quý báu trong quá trình phát triển ngành Điện.
Xuân Tiến
Share