Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở EVN và kết nối trực tuyến tới một số chuyên gia của ADB, GEAPP.
Bà Hyunjung Lee – chuyên gia kinh tế, năng lượng cao cấp của ADB cho biết, ADB hiện đang xúc tiến thảo luận với EVN và các đối tác để tìm hiểu nhu cầu trong phát triển năng lượng, từ đó, đưa ra những đề xuất hỗ trợ, hợp tác phù hợp trong giai đoạn 3 năm tới. ADB sẽ giữ vai trò trung gian để tập trung các nguồn lực, kết nối hợp tác đa phương để hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng.
Trong xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay, ADB và các đối tác như GEAPP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng bằng cách cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật... Qua đó, giúp EVN và các doanh nghiệp năng lượng thực hiện chuyển dịch các nhà máy nhiệt điện than, giảm phát thải CO2; đồng thời mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo, phát triển hệ thống tích trữ năng lượng…
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (thứ 3 từ phải sang) và các ban chuyên môn EVN tiếp, làm việc với đoàn công tác ADB, GEAPP
|
Đặc biệt, BESS được ADB, GEAPP đánh giá là công nghệ quan trọng với các ưu thế về tính ổn định, tính dự phòng, khả năng kiểm soát tần số… Đây là công nghệ phù hợp trong hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, phù hợp xu thế tương lại.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia cũng giới thiệu tới EVN về cơ chế tài chính chuyển dịch năng lượng ETM. Đồng thời, dành nhiều thời gian lắng nghe các chia sẻ từ phía EVN về nhu cầu, cũng như những khó khăn, thách thức trong phát triển dự án BESS.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải đánh giá cao những đóng góp từ ADB và GEAPP trong việc thực hiện các tư vấn về chính sách năng lượng với các cơ quan chức năng, thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật với EVN…
Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với sự hỗ trợ từ ADB, thời gian qua, EVN đã trình Bộ Công Thương triển khai thí điểm dự án BESS với mục tiêu điều tần. Việc đầu tư các dự án BESS nhằm thực hiện mục tiêu phủ đỉnh tại khu vực miền Bắc, góp phần vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện.
Đoàn công tác ADB, GEAPP tới làm việc tại trụ sở EVN
|
Tuy vậy, thực tế hiện nay, chi phí đầu tư BESS vẫn còn cao so với việc sử dụng các thủy điện điều tần. Bên cạnh đó, để có thể triển khai dự án BESS thí điểm, ngoài việc có hỗ trợ chi phí, hỗ trợ kỹ thuật, cũng cần làm rõ về phương án thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời, cần có khung chính sách, cơ chế phát triển BESS để nhiều nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện.
Sau buổi làm việc, EVN và ADB, GEAPP thống nhất sẽ tiếp tục trao đổi, triển khai cụ thể các công việc liên quan, với mục tiêu chung tay thực hiện chuyển dịch năng lượng, cùng hướng tới “net-zero” vào năm 2050.