Theo đại diện của Myanmar, đến cuối năm 2016, Myanmar đã đưa điện đến 100% số xã nhưng mới có 49,7% số bản và 38% số hộ dân có điện sử dụng. Hiện, Myanmar vẫn còn 7,1 triệu hộ gia đình chưa có điện.
Mục tiêu điện khí hóa nông thôn của Myanmar là đến năm 2020, tỷ lệ số hộ dân có điện đạt 50%; đến năm 2050 sẽ đạt 100%.
Trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc cho biết, đến hết năm 2016, Việt Nam đã đưa điện lưới quốc gia đến 99,98% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn.
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, kết quả trên trước hết là nhờ chính sách và mục tiêu kiên định của Chính phủ về thực hiện chủ trương “Điện đi trước một bước”; cùng với đó là phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện điện khí hóa nông thôn, trong đó EVN là đơn vị nòng cốt. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là những người hưởng lợi trực tiếp đã mang lại thành công lớn cho công tác này. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để kéo dây, trồng cột điện mà không nhận tiền đền bù. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ban hành được các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho lưới điện nông thôn, tạo thuận lợi trong công tác triển khai - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.
Hiện, nước ta còn khoảng 200.000 hộ dân nông thôn chưa được sử dụng điện. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đưa điện lưới quốc gia đến 100% số hộ dân.