Dự lễ ký kết có ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương.
Về phía AGRIBANK có ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Phạm Toàn Vượng – Tổng giám đốc.
Về phía EVN có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc.
Cùng dự lễ ký còn có các thành viên HĐTV, các phó tổng giám đốc, đại diện một số ban chức năng của AGRIBANK và EVN, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Điện 2 thuộc EVN.
Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
|
Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm 30% vốn đối ứng của EVN và 70% còn lại được thu xếp từ nguồn vay tín dụng từ ngân hàng AGRIBANK và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Riêng khoản tín dụng tài trợ từ AGRIBANK trị giá 2.400 tỷ đồng với thời hạn vay tối đa là 168 tháng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: EVN đánh giá rất cao sự hỗ trợ và hợp tác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc thu xếp vốn vay cho các dự án của EVN và các đơn vị thành viên trong thời gian qua.
Trước tốc độ tăng trưởng phụ tải điện quốc gia hàng năm luôn duy trì ở mức cao, bình quân từ 8% đến 10% mỗi năm, EVN sẽ tiếp tục phải triển khai đầu tư các dự án nguồn và lưới điện để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân. EVN đã và đang tăng cường hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư các dự án điện trong các năm tiếp theo.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là một trong những đối tác mà EVN và các đơn vị thành viên có dư nợ tín dụng lớn nhất với tổng mức cấp tín dụng tại thời điểm 31/01/2023 là 24.571 tỷ đồng (bao gồm dư nợ 15.877 tỷ đồng và tổng mức cam kết tín dụng khả dụng 8.694 tỷ đồng).
Khoản vay thương mại trong nước trị giá 2.400 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng, cùng khoản tín dụng không bảo lãnh chính phủ của AFD (đã ký kết tháng 6/2021, trị giá 74,7 triệu Euro, tương đương khoảng 1.900 tỷ đồng) sẽ giúp cho EVN triển khai dự án được thuận lợi, theo đúng tiến độ kế hoạch đã được phê duyệt.
Đại diện EVN và AGRIBANK ký kết hợp đồng tín dụng trước sự chứng kiến của các đại biểu
|
Ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác toàn diện giữa EVN và AGRIBANK.
Ông Hồ Sỹ Hùng đề nghị EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với AGRIBANK để chia sẻ thông tin, quản lý, phối hợp chặt chẽ các công tác liên quan đến thẩm định, giải ngân, dòng tiến, tái cơ cấu các khoản vay vốn dự án,… nhằm đảm bảo tối đa hóa lợi ích của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án điện.
Nhiều năm qua, AGRIBANK đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao thực hiện sứ mệnh cung ứng vốn tín dụng cho nhiều dự án năng lượng trọng điểm quốc gia như: NMTĐ Sơn La, NMTĐ Lai Châu, NMTĐ Sê San 4, NMTĐ Bản Chát, NMTĐ Buôn Kuốp,...
Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN, qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Trung.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ban QLDA Điện 2 phối hợp liên danh nhà thầu tiếp tục tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị phục vụ thi công với yêu cầu đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe – an toàn – môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội trong quá trình triển khai xây dựng dự án.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hoá thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra khi đưa vào vận hành, dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Dự án NMTĐ Ialy mở rộng:
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Đại diện chủ đầu tư quản lý, điều hành dự án: Ban QLDA Điện 2
- Địa điểm xây dựng: xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
- Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1
- Đơn vị thi công xây lắp: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty Sông Đà - Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Lilama 10
- Tổng mức đầu tư: Gần 6.400 tỷ đồng
- Triển khai thi công: Quý II/2021;
- Phát điện tổ máy 1: Quý II/2024; phát điện tổ máy 2: Quý III/2024;
- Hoàn thành công trình: Tháng 12/2024.
|