Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì hội nghị. Chương trình diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Về phía EVN còn có ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc EVN, cùng đại diện lãnh đạo các ban thuộc Cơ quan EVN, lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Về phía Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) có ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam.
Về phía EDF có ông Julien Villeret, Giám đốc Ban điều hành Đổi mới sáng tạo; bà Valerie Salviac-Dijkstra, Trưởng phòng Đánh giá hiệu quả và phát triển thuộc Ban Đổi mới sáng tạo EDF; ông Karim Bregui, Giám đốc EDF Việt Nam; ông Philippe Lienhart, Giám đốc quản lý chương trình hợp tác kỹ thuật về chuyển dịch năng lượng giữa EVN và EDF.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chủ trì hội nghị
|
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, trong bối cảnh hiện nay, đổi mới sáng tạo (ĐMST) không đủ nhanh và hiệu quả thì không thể theo kịp CMCN 4.0, không thể chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng thành công, cũng như đạt được mục tiêu Net Zero.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu ĐMST trong hầu hết mọi mặt hoạt động, có những bước tiến dài trong công tác KD&DVKH, công tác quản lý kỹ thuật và công tác quản trị nội bộ. Tuy nhiên, đã đến lúc EVN cần một công cụ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hoạt động ĐMST, để ĐMST được diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể là cần một hệ thống quản lý ĐMST được tổ chức bài bản hơn, hoạt động có phương pháp hơn, được trang bị kiến thức, công cụ vận hành tốt hơn.
Hiện nay, EVN cũng đang triển khai xây dựng và hoàn thiện Đề án Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo làm cơ sở để triển khai công tác đổi mới sáng tạo trong toàn tập đoàn nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản trị, vận hành của tập đoàn trong thời gian tới.
Chương trình đào tạo lần này hữu ích cho cán bộ cả cấp lãnh đạo và cấp thực thi của EVN, bởi khác với những chương trình đào tạo mang tính học thuật khác, chương trình này sẽ tập trung vào thực tế những gì mà công tác quản lý ĐMST đã, đang và sẽ được triển khai tại EDF.
Theo ông Hervé Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam, AFD cũng nhận thấy quá trình thúc đẩy ĐMST trong ngành năng lượng là cần thiết để giảm phát thải carbon và cải thiện hiệu suất kỹ thuật và vận hành của các công ty điện lực. Điều này rất quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
ĐMST cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng bằng cách phát triển các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, giúp giảm hóa đơn tiền điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, giúp cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp thuận lợi hơn…
EDF là một trong những công ty điện lực tiên tiến nhất trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các giải pháp ĐMST để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Hợp tác với EDF, EVN có thể tận dụng kiến thức chuyên môn để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang cơ cấu năng lượng có tính chất bền vững hơn.
Chương trình diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến qua zoom
|
Trong buổi sáng ngày 26/4, ông Julien Villeret, Giám đốc Ban điều hành ĐMST và bà Valerie Salviac-Dijkstra, Trưởng phòng Đánh giá hiệu quả và phát triển thuộc Ban ĐMST EDF đã chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể như: Tại sao EDF cần ĐMST; Mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, vai trò của hệ thống quản lý ĐMST; Hướng dẫn xây dựng chiến lược ĐMST; Hệ thống KPI đánh giá hoạt động ĐMST…
Nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn cao đã được các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận và được các chuyên gia EDF khuyến nghị, trả lời chi tiết, cụ thể.
Chương trình diễn ra đến ngày 28/4/2023.