EVNGENCO 1: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường, đồng thời làm tốt công tác đền bù, di dân tái định cư (TĐC).

Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường

Tại các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải (Duyên Hải 1, 3, 3 mở rộng), EVNGENCO1 đã nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, như: Xây dựng các hệ thống xử lý khí thải, nước thải sinh hoạt, nước thải nhiễm dầu, than…

Thực tế quá trình vận hành, hệ thống bảo vệ môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 đã được thiết kế và vận hành theo mục tiêu bảo đảm hiệu quả về xử lý môi trường ở mức cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế tại Nhà máy, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường.

Các nhà máy nhiệt điện đều được lắp đặt đầy đủ hệ thống thiết bị, công trình bảo vệ môi trường có công nghệ tiên tiến như: Hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử NOx và SOx để xử lý bụi, khí thải và nước thải trước khi phát thải ra môi trường đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt; tro, xỉ thải trong quá trình đốt than được thu gom, vận chuyển đến các bãi chứa để tái sử dụng. Đây là hệ thống thiết bị xử lý môi trường đạt hiệu suất xử lý cao, thể hiện qua thông số phát thải của dự án ra môi trường thấp hơn rất nhiều so với giới hạn cho phép của các quy chuẩn về môi trường.

Bên cạnh đó, đơn vị còn có các biện pháp quan trắc, giám sát và kế hoạch tăng cường bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải, đặc biệt là Hệ thống giám sát khí thải (CEMS) để giám sát các thông số bụi và khí thải (NOx, SO2, CO) trong quá trình vận hành được thực hiện liên tục, tự động lưu trữ, báo cáo số liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh định kỳ.

Đến nay, hệ thống đã vận hành ổn định và bảo đảm nồng độ phát thải luôn thấp hơn các quy định về môi trường. Từ ngày 1/11/2016, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tỉnh Trà Vinh triển khai mời người dân xã Dân Thành sống cạnh nhà máy tham quan, kiểm tra, giám sát công tác vận hành nhà máy, đặc biệt là xử lý môi trường.

Tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí và Quảng Ninh, công tác bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và quy định pháp luật hiện hành về: Công tác quản lý tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, quản lý khí thải, quan trắc môi trường định kỳ. Các công ty này đã triển khai hệ thống quan trắc online, kết nối cung cấp các dữ liệu môi trường cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh. Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, công ty đều tuân thủ đúng quy trình, quy định, không để xảy ra vi phạm.

Đối với các dự án thủy điện, EVNGENCO1 cho biết, tổng diện tích rừng thu hồi chuyển mục đích sử dụng để xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 là 314 ha. Đến nay, công tác trồng bù rừng đã hoàn thành, đạt 100%. Tại Dự án Thủy điện Bản Vẽ, hiện đang triển khai phục hồi môi trường các mỏ đá, bãi thải phục vụ xây dựng công trình, đồng thời thu dọn và phục hồi môi trường tại các khu vực của công trường... Công trình Thủy điện Đồng Nai 3, 4 đã được lập và ban hành quy trình ứng phó sự cố tràn dầu, xử lý chất thải nguy hại; lập báo cáo kết quả quan trắc, giám sát môi trường định kỳ trong giai đoạn xây dựng và vận hành. Bên cạnh đó, đã làm việc với địa phương thống nhất phương thức thực hiện trồng bù rừng thay thế diện tích trồng rừng đã chuyển sang xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 3, 4...

Làm tốt công tác đền bù tái định cư (TĐC)

EVNGENCO1 cho biết, theo quy hoạch, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 có 1.046 hộ/5.366 khẩu bị ảnh hưởng, phải di dời TĐC; trong đó, TĐC tập trung là 429 hộ/2.435 khẩu; di cư tự nguyện 617 hộ/2.931 khẩu.

Đối với 429 hộ/2.435 khẩu TĐC tập trung, được bố trí tại 4 khu TĐC với 13 điểm TĐC. Đến nay, toàn bộ nhà ở của người dân và cơ sở hạ tầng phục vụ TĐC (hệ thống cấp điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...) đã hoàn thành, bàn giao cho người dân và chính quyền địa phương đưa vào sử dụng.

Với công trình Thủy điện Bản Vẽ, đến nay, đã cơ bản hoàn thành với tổng số hộ dân phải di dời là 3.022 hộ thuộc 34 bản, 9 xã ở hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Ơ Đu, Khơ Mú và một bộ phận nhỏ người Kinh. Các hộ TĐC được bố trí di dời về các huyện: Tương Dương 555 hộ, Kỳ Sơn 112 hộ, Thanh Chương 2.123 hộ và 232 hộ di dân theo nguyện vọng. Ngoài ra, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư đã hỗ trợ bổ sung ngoài quy định thêm 24 tháng lương thực với mức mỗi nhân khẩu 30kg gạo/tháng...

Về công tác đền bù TĐC của Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, hiện Dự án đã thực hiện xong đền bù giải phóng mặt bằng, đóng tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng số tiền trên 613 triệu đồng. Công ty đã nộp vào ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng bồi thường lâm sản. Đồng thời, đã hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác tận dụng gỗ giải phóng mặt bằng cho diện tích 72.439 m2 từ tháng 9/2014.


  • 20/07/2017 09:00
  • Theo Báo Công Thương
  • 7645