Tiếp nối quá trình cổ phần hóa các tổng công ty phát điện lớn trên cả nước, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) sắp tới đây cũng sẽ tổ chức bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). EVNGENCO 2 là Công ty TNHH một thành viên, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 100% vốn điều lệ. EVNGENCO 2 đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013 bao gồm 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 1 công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và 5 công ty liên kết do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Hiện tại, EVNGENCO 2 đang quản lý 8 dự án đầu tư nguồn điện bao gồm Nhiệt điện Ô Môn 1, 2, 3, 4; các thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thác Mơ mở rộng. Ngành nghề kinh doanh chính của EVNGENCO 2 là sản xuất kinh doanh điện năng, cơ khí điện lực; đầu tư và quản lý vốn các dự án nguồn điện; lập đầu tư xây dựng tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công xây lắp công trình…
Như vậy, EVNGENCO 2 là tổng công ty phát điện thứ 4 cổ phần hóa sau Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP (UPCOM: DTK); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (UPCOM: POW) và Tổng công ty Phát điện 3 (UPCOM: PGV). Việc cổ phần hóa sau các tổng công ty phát điện khác sẽ giúp cho EVNGENCO 2 có nhiều điều kiện chuẩn bị, khắc phục những hạn chế nhưng cũng là áp lực lớn để có thể cổ phần hóa thành công như các doanh nghiệp cùng ngành.
Hiện nay, EVNGENCO 2 đã có những bước tiến lớn về công tác cổ phần hóa cũng như công bố thông tin. Vậy đâu là những điểm sáng giúp EVNGENCO 2 “ghi điểm” trong mắt nhà đầu tư?
Nắm giữ nhiều công ty con hiệu quả
Theo phương án sắp xếp và tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc, ngoài Thủy điện Trung Sơn đang nắm 100% vốn thì EVNGENCO 2 cũng nắm cổ phần chi phối từ 51% trở lên tại 5 công ty điện khác.
Lợi nhuận các công ty con và quyền chi phối của EVNGENCO 2
|
Sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC): Với việc nắm 51,9% vốn điều lệ của PPC thì EVNGENCO 2 có được nguồn thu rất lớn từ việc hợp nhất KQKD của công ty nhiệt điện này. Năm 2017, LNST của PPC đạt 854 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2016 nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện tăng mạnh.
Sở hữu 51,92% vốn tại CTCP Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP), lợi nhuận của TMP tăng trưởng gấp 3 lần trong năm 2017, đạt 321 tỷ đồng.
Sở hữu 51% tại Công ty con Nhiệt điện Hải Phòng (UPCOM: HND): Năm qua, HND tăng trưởng 38% về lợi nhuận, đạt 396 tỷ đồng.
Một công ty con mới lên sàn khác là CTCP Thuỷ điện A Vương (UPCOM: AVC) cũng có lợi nhuận tăng mạnh gần 3 lần, lên 351 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của EVNGENCO 2 rất lớn, chiếm 87,45% vốn của AVC.
Công ty con cuối cùng mà EVNGENCO 2 nắm giữ là CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ cũng có mức lợi nhuận ấn tượng 672 tỷ đồng năm 2017, gấp 3 lần kế hoạch đề ra. Hiện EVNGENCO 2 nắm 61,78% vốn công ty.
Ngoài ra, EVNGENCO 2 còn nắm 100% vốn là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đang sở hữu nhà máy điện có sản lượng điện bình quân rất lớn hơn 1 tỷ kWh mỗi năm, nên sẽ có đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận cho Tổng công ty.
Có thể thấy các công ty con của EVNGENCO 2 đang hoạt động khá hiệu quả với mức lợi nhuận đóng góp lớn cho EVNGENCO 2; đây là một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư.
Nhiều dự án triển vọng
Bên cạnh các công ty con đang hoạt động hiệu quả thì EVNGENCO 2 cũng đẩy mạnh đầu tư vào nhiều dự án mới; từ đó kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Đối với dự án Thủy điện Trung Sơn, EVNGENCO 2 đang hoàn thiện các hạng mục khác và tiếp tục quyết toán dự án trước 30/6. Hiện dự án này đã phát điện 2/4 tổ máy. Đây là công trình đầu tư lớn với tổng mức đầu tư hơn 7.775 tỷ đồng (khoảng 411 triệu USD), trong đó 330 triệu USD là vốn vay Ngân hàng Thế giới có thời gian đáo hạn là 27 năm.
Dự án Thủy điện Sông Bung 2 là công trình thủy điện cấp II, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 8/2018. Nhà máy có công suất lắp đặt 100 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 425,57 triệu kWh; gồm 2 tổ máy, tổng mức đầu tư công trình hơn 3.654 tỉ đồng.
Trung tâm Điện lực Ô Môn được đầu tư xây dựng 04 nhà máy với tổng công suất 2.910 MW. Hiện EVNGENCO 2 đang hoàn tất lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành giai đoạn 2 đối với Nhiệt điện Ô Môn I & II; hoàn thành bàn giao 2 dự án Ô Môn III & IV cho Ban QLDA Điện hạt nhân Ninh Thuận trong quý I/2018.
Ngoài ra, EVNGENCO 2 cũng đầu tư vào điện gió như Dự án Điện gió Công Hải 1; Điện gió Hướng Phùng 1 hay đầu tư mở rộng lưu vực bổ sung nước cho công trình Thuỷ lợi – Thuỷ điện Quảng Trị và vùng hạ du;…
Lãi trước thuế hơn 3.000 tỷ
Mặc dù không phải là đơn vị có sản lượng điện đứng đầu nhưng EVNGENCO 2 lại cho thấy sự hiệu quả đến từ hoạt động kinh doanh khi doanh thu hợp nhất đạt 22.422 tỷ và lợi nhuận trước thuế thực hiện 3.031 tỷ đồng năm 2017, cao nhất trong số các tổng công ty phát điện đã cổ phần hóa.Tổng số nộp ngân sách là 2.120 tỷ đồng.
Trong năm 2017, EVNGENCO 2 thông báo đạt tổng sản lượng điện sản xuất đạt 16.725 triệu kWh (không bao gồm nhiệt điện dầu), tăng trưởng 10,15% nhưng chỉ bằng 96,79% kế hoạch năm. Nguyên nhân không hoàn thành kế hoạch là do tạm ngừng thị trường điện cạnh tranh trong tháng 10 năm ngoái ảnh hưởng lớn đến nhiệt điện than của Tổng công ty.
Trong năm 2018, khi đưa thêm Thủy điện Sông Bung 2 vào vận hành thì sản lượng kế hoạch của EVNGENCO 2 dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 16.787 triệu kWh. Tổng doanh thu kế hoạch theo đó đạt 22.417 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 của công ty dự kiến chỉ ở mức 1.390 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu tạm thời, kế hoạch sẽ được hiệu chỉnh sau khi kế hoạch các công ty cổ phần được Đại hội thường niên 2018 thông qua. Tổng số nộp ngân sách nhà nước dự kiến vẫn bằng năm 2017 là 2.120 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ suất sinh lời trên doanh thu của EVNGENCO 2 đã thể hiện sự hiệu quả hơn so với các tổng công ty còn lại. Đây cũng là một điểm sáng trong hoạt động kinh doanh và cũng là yếu tố quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư.