Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa
|
PV: Mưa bão, triều cường gây khó khăn như thế nào đến việc vận hành lưới điện trên địa bàn TP.HCM, thưa ông?
Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa: Vào mùa mưa bão, trên địa bàn TP.HCM thường xảy ra giông, lốc khiến các cây xanh ngoài phạm vi hành lang an toàn lưới điện cao áp, các tấm bạt, biển hiệu, biển quảng cáo lâu ngày hoặc gia cố không chắc có thể đổ vào đường dây, gây sự cố điện; thậm chí có thể làm xuất hiện nguy cơ rò rỉ điện, chạm chập,…, rất nguy hiểm.
TP.HCM là đô thị đông dân nhất cả nước, khi xảy ra mưa lớn hoặc triều cường, các tuyến đường và khu vực trũng thấp thường bị ngập sâu. Đáng nói, triều cường thường xảy ra đồng thời với thời điểm tan tầm (thời gian cao điểm của tắc đường) làm cho việc di chuyển của công nhân điện lực đến nơi xảy ra sự cố gặp rất nhiều khó khăn.
PV: EVNHCMC đã có những giải pháp gì để vượt qua những khó khăn thách thức, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy?
Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa: Trước mùa mưa, EVNHCMC đã chủ động kiểm tra hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ khu vực trũng thấp, khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, tiến hành cải tạo, đưa tủ điện lên cao, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. Đồng thời, phối hợp với Ban quản lý các khu đô thị, Công ty cây xanh tiến hành xử lý những cây cối, biển quảng cáo, lều, lán,… có khả năng đổ hoặc bay vào đường dây, TBA khi mưa bão.
Tổng công ty cũng phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan; UBND các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cung cấp điện, bổ sung công suất điện cho các trạm bơm mới được nâng cấp; xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu bơm tiêu thoát nước khi úng ngập xảy ra.
Đặc biệt, EVNHCMC đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào quản lý, vận hành hệ thống lưới điện nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai. Hiện nay, EVNHCMC đã vận hành hiệu quả 100% TBA 110 kV theo mô hình không người trực; 100% lưới điện trung thế được giám sát và điều khiển xa (mini Scada). Với Trung tâm Điều khiển xa, vào mùa mưa bão, khi xảy ra sự cố bất thường, ngay lập tức, những kỹ sư vận hành sẽ thao tác từ xa, cô lập, khoanh vùng sự cố, đảm bảo phạm vi mất điện là nhỏ nhất.
Tổng công ty cũng đang tiếp tục triển khai Chương trình hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện; lắp đặt dây hỗ trợ chống đứt dây dẫn trung thế tại 6 Công ty Điện lực ở các vị trí tập trung đông người như các trường học và các chợ góp phần nâng cao chất lượng và độ an toàn cung cấp điện, giảm tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như ảnh hưởng của thời tiết. Ngoài ra, EVNHCMC còn yêu cầu người đứng đầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống, thiên tai, phát huy một cách tốt nhất phương châm “Bốn tại chỗ” và nguyên tắc “Ba sẵn sàng” trong việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để ứng phó khi xảy ra thiên tai hoặc sự cố bất ngờ.
PV: Việc nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng điện an toàn phòng tránh tai nạn điện, nhất là trong mùa mưa bão được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa: Những năm qua, EVNHCMC đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền kiến thức về an toàn điện cho các đối tượng là khách hàng sử dụng điện. Các Công ty Điện lực phối hợp chặt chẽ với UBND các phường/xã và Phòng/Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu hộ cứu nạn thực hiện khảo sát, tư vấn cho người dân về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Từ đó, phối hợp với các hộ gia đình xử lý ngay các trường hợp mất an toàn điện như, dây điện câu móc qua khe cửa sổ, mối nối hở, băng keo lão hóa, bong tróc...
Hàng năm, Tổng công ty còn bố trí nguồn lực, đặc biệt là huy động tinh thần xung kích của Đoàn Thanh niên thực hiện các công trình vì cộng đồng liên quan đến an toàn điện như: “Tuyến hẻm có hệ thống điện an toàn, mỹ quan, tiết kiệm”; “Nguồn sáng an toàn văn minh tiết kiệm vì an sinh xã hội”; “Chung cư văn minh, sạch đẹp, an toàn”; “Cùng bạn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm”… Các nội dung cam kết đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng chống cháy nổ được Tổng công ty đưa vào hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đối với khách hàng.
PV: Xin cảm ơn ông!