Nhằm đẩy mạnh thực hiện triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, ngành điện TPHCM đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai các giải pháp gia tăng tỉ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Đến nay, EVNHCMC đã hợp tác với 23 ngân hàng và 11 đối tác trung gian hợp tác thu hộ tiền điện, với gần 72.000 điểm thu trên địa bàn TPHCM tại các điểm giao dịch của ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, bưu cục, siêu thị, cửa hàng điện thoại, điểm đặt máy ATM…
Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện bằng các hình thức điện tử. Ảnh: EVNHCMC cung cấp. |
Đặc biệt, EVNHCMC rất chú trọng phát triển các kênh thanh toán điện tử như Internet/Mobile/SMS Banking hoặc trích nợ tự động; qua website của EVNHCMC, ví điện tử (Momo, Zalo pay, ViettetPay, VNPTPay,...), thanh toán qua mã QR Code… Bên cạnh đó, EVNHCMC đang hợp tác với các đối tác thu hộ thực hiện các chương trình ưu đãi như: hoàn tiền khi thanh toán tiền điện qua ví điện tử; giảm giá khi thanh toán tiền điện của ZaloPay, ViettelPay, VNPTPay, Momo,...
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết việc thanh toán tiền điện trực tuyến và không sử dụng tiền mặt mang lại nhiều tiện ích như: Thanh toán mọi lúc, mọi nơi, chính xác tới số lẻ tiền và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là an toàn, tránh rủi ro rơi, mất tiền mặt… Đối với việc trích nợ tự động, khách hàng không cần phải nhớ lịch trả tiền điện hàng tháng, không lo bị ngừng cung cấp điện và mất phí đóng lại điện do quên thanh toán tiền điện.
Theo ông Bùi Trung Kiên, thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của cuộc sống hiện đại, nên EVNHCMC đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khách hàng tại TPHCM thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phối hợp các đối tác thực hiện trong giai đoạn tới. Các công ty điện lực phân loại nhóm khách hàng thường xuyên thanh toán tiền mặt để vận động đăng ký trích nợ tự động, mở ví điện tử, đồng thời, làm việc với các đối tác trên địa bàn mình quản lý phối hợp quảng bá hình thức thu tiền điện bằng các kênh thanh toán điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của ngành điện, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức thanh toán trung gian trong việc tuyên truyền, nâng cao nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ... để đem đến sự tiện ích tốt nhất cho khách hàng thanh toán tiền điện qua hình thức không dùng tiền mặt.
Link gốc