EVNHCMC bứt phá trong giảm tổn thất điện năng

Tổn thất điện năng (TTĐN) của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) giảm còn 3,27%, tính đến hết năm 2018. Tổng công ty về đích sớm 2 năm so với lộ trình đến 2020 (kế hoạch giao là 3,5%).

Nâng cao chất lượng vận hành lưới điện

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, giảm TTĐN là một trong những nhiệm vụ được EVNHCMC đặc biệt chú trọng. Từ năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn từ năm 2016-2020, với đồng bộ các nhóm giải pháp được triển khai theo từng lộ trình cụ thể.

Cũng theo ông Thanh, công tác đầu tư, xây dựng được EVNHCMC đặc biệt chú trọng. Tổng công ty đã triển khai đúng và vượt tiến độ các công trình 220/110 kV, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng của phụ tải.

Đến tháng 7/2017, EVNHCMC đã hoàn thành công tác nâng cấp điện áp toàn bộ lưới điện trung thế từ 15 kV lên 22 kV, sớm trước 2 năm theo kế hoạch.

EVNHCMC cũng thường xuyên theo dõi và vận hành tối ưu hệ thống đường dây; không để xảy ra trường hợp đường dây, máy biến thế vận hành đầy/quá tải; quản lý chặt chẽ tình hình giao nhận công suất phản kháng với lưới truyền tải, đảm bảo hệ số cosφ đầu các phát tuyến trung thế ≥ 0,95, hệ số cosφ tổng trung thế ≥ 0,98.

Ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp giúp EVNHCMC giảm TTĐN hiệu quả

Đặc biệt, Tổng công ty cũng thực hiện nghiêm ngặt công tác giảm thời gian mất điện, giảm sự cố trên lưới điện, đảm bảo lưới điện vận hành ở chế độ có lợi về mặt tổn thất. Điển hình, các tuyến dây mới được đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn trong vòng 3 năm không được phép cắt điện công tác.

Tổng công ty cũng cập nhật, theo dõi và tính toán tổn thất của hơn 641 tuyến dây trung thế và 15.445 khu vực trạm công cộng. Qua đó, thực hiện khoanh vùng các khu vực có tổn thất cao, điều tra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phù hợp cho từng khu vực, từng thời điểm để giảm tổn thất điện năng. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ tổn thất điện năng của các tuyến dây trung thế toàn Tổng công ty còn 1,15%, lưới hạ thế còn 3,57%.

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc ứng dụng các công nghệ mới như: Thi công, sửa chữa, bảo trì trên lưới điện đang mang điện (live - line); khai thác hệ thống đo đếm dữ liệu công tơ từ xa; điều khiển xa... cũng giúp EVNHCMC giảm tổn thất hiệu quả.

Riêng năm 2018, EVNHCMC đã thực hiện 5.680 lượt thi công trên lưới điện trung thế; thực hiện vệ sinh lưới điện bằng nước áp lực cao cho 9.169 vị trí trụ trung thế, 14 trạm biến áp 110 kV và 03 đường dây 110 kV.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã ứng dụng từ hệ thống đo xa cho hơn 1.300 điểm đo tại các trạm 110/220 kV và hơn 28.000 trạm biến thế phân phối và trên 800.000 khách hàng sau trạm công cộng để theo dõi tình trạng vận hành đường dây, máy biến thế. Qua đó, phát hiện tình trạng non/đầy tải, thấp áp, thiếu/quá bù để có biện pháp xử lý kịp thời...

Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, năm 2019 và những năm tiếp theo, EVNHCMC cũng sẽ tiếp tục triển khai các đồng bộ các giải pháp, từ đầu tư xây dựng, vận hành lưới điện tối ưu, giải pháp giảm sự cố, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ứng dụng hệ thống đo xa; trong đó Tổng công ty sẽ đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả hơn nữa ứng dụng hệ thống đo xa tại các trạm biến áp phân phối, để tiếp tục đưa tỉ lệ TTĐT giảm sâu.


  • 27/03/2019 05:15
  • Thùy Lê
  • 21449