EVNHCMC đặt đồng hồ đếm ngược để giám sát kế hoạch chuyển đổi số

Đó là một trong những chia sẻ của ông Phạm Quốc Bảo – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) về kinh nghiệm của EVNHCMC trên hành trình trở thành doanh nghiệp đầu tiên của cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận mức độ chuyển đổi số.

PV: Nếu cần điểm lại những thành tích ấn tượng của EVNHCMC trong năm 2022 thì đó là những gì, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Bảo

Ông Phạm Quốc Bảo: Năm 2022, EVNHCMC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng, là đảm bảo điện cho nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế của TP.HCM sau đại dịch COVID - 19. Ngay từ đầu năm, tổng công ty đã xây dựng các kịch bản phục vụ nhu cầu tăng trưởng trở lại của thành phố; theo dõi kế hoạch từng tháng, từng quý để có những điều chỉnh kịp thời. Bằng những giải pháp quyết liệt về mọi mặt, EVNHCMC đã góp phần cùng thành phố phục hồi và phát triển kinh tế thành công, với mức tăng trưởng trên 9%.

Một thành công nữa của EVNHCMC đó là trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông trao giấy chứng nhận mức độ chuyển đổi số. Cụ thể, tổng công ty đạt mức độ chuyển đổi số 3/5 (mức hình thành doanh nghiệp số) trong 5 mức độ chuyển đổi số theo Quyết định 1970 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, công ty mẹ với vai trò tổ chức và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, đã đạt 545 điểm, tiệm cận điểm chuẩn của mức 4 là 556 điểm. Ngoài ra, 3 đơn vị của tổng công ty đạt được ở mức 4/5 là mức Nâng cao.

PV: Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà EVNHCMC đã triển khai?

Ông Phạm Quốc Bảo: Yếu tố đầu tiên và đặc biệt quan trọng là nhận thức và sự quyết liệt của lãnh đạo tổng công ty. Tiếp đó, là phải có một kế hoạch thật chi tiết về lộ trình thực hiện, phân công rõ ràng và có sự giám sát quá trình thực thi.

EVNHCMC xác định, chuyển đổi số là đòn bẩy rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Từ chủ trương của Chính phủ, các bộ ngành và đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng công ty đã xây dựng hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các nhiệm vụ EVN giao và các nhiệm vụ tổng công ty tự đề ra.

Trong năm 2022, tổng công ty đặt mục tiêu là phấn đấu đạt mức độ là doanh nghiệp số. Để cán đích mục tiêu này, ngay từ đầu năm, tổng công ty đã xây dựng Dashboard và có đồng hồ đếm ngược để theo dõi, giám sát các kế hoạch thực thi từng nhiệm vụ, từng hạng mục. Vừa qua, trên cơ sở kế đánh giá của tổng công công ty và đánh giá thẩm tra của tư vấn độc lập, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẩm tra, đánh giá và xác nhận EVNMCHC là doanh nghiệp chuyển đổi số đầu tiên trong cả nước.

PV: Thành tựu trong chuyển đổi số của EVNHCMC mang đến lợi ích gì cho khách hàng sử dụng điện, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Bảo: Một trong những trụ cột trong chuyển số của EVNHCMC là mang đến sự trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện. Do đó, khi chuyển đổi số thành công, tổng công ty nâng cao được chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng, tạo được sự trải nghiệm số cho khách hàng.

Hiện nay, toàn bộ các dịch vụ quản lý vận hành, dịch vụ khách hàng và quản lý công nghệ thông tin của thông tin của EVNHCMC đều được thực hiện trên môi trường số, mang đến cho khách hàng sự tiện ích, minh bạch.

PV: Trên đà những thành tích đạt được của năm 2022, mục tiêu mà EVNHCMC hướng tới trong năm 2023 là gì, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Bảo: Trong năm 2023, Thành ủy, UBND TP. HCM đặt mục tiêu tăng trưởng là từ 7,5 -8 %. Đây là một mục tiêu rất cao sau khi đã phục hồi kinh tế trong năm 2022. Để đảm bảo điện đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, bên cạnh thực hiện chủ đề năm 2023 của EVN là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, EVNHCMC đưa ra chủ đề của tổng công ty: “Quản trị hiệu quả doanh nghiệp số; tiếp tục xây dựng và phát triển lưới điện thông minh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, với mục tiêu nâng cao chất lượng lưới điện và chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng đủ điện với độ tin cậy cao phục vụ sự phát triển của thành phố.

Về chuyển đổi số, EVNHCMC phấn đấu, đến trước năm 2025, tổng công ty đạt mức độ chuyển đổi số ở mức Nâng cao và có 3 đến 4 đơn vị trực thuộc đạt mức cao nhất là mức Dẫn dắt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Các mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp theo Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông:

  • Mức 0 - Chưa chuyển đổi số
  • Mức 1 - Khởi động
  • mức 2 - Bắt đầu
  • Mức 3 - Hình thành
  • Mức 4 - Nâng cao
  • Mức 5 - Dẫn dắt


  • 13/01/2023 01:52
  • B.Hoa (thực hiện)
  • 5612