Đại diện Công ty Điện lực Củ Chi ký cam kết với đại diện của 4 khu công nghiệp về việc đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái - Ảnh: Đức Hùng
|
Tại Hội nghị, EVNHCMC và các nhà cung cấp dịch vụ đã giới thiệu về các quy trình, hình thức lắp đặt điện mặt trời áp mái; chế độ bảo dưỡng, bảo hiểm sản phẩm; lợi ích và chất lượng điện năng của công trình...
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, các khu công nghiệp có lợi thế về diện tích mái nhà lớn. Nếu đầu tư điện mặt trời, doanh nghiệp có thể tự chủ động về nguồn điện cho hoạt động của mình, đồng thời bán lại phần sản lượng dôi dư cho ngành Điện. Về vốn đầu tư, doanh nghiệp có thể thông qua các công ty hỗ trợ vốn, ngân hàng mà ngành Điện kết nối.
Tổng công ty đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, nhằm giới thiệu cho khách hàng hiểu rõ về nguồn năng lượng sạch này. EVNHCM cũng sẽ hỗ trợ tối đa cho khách hàng trong việc kết nối, phát điện lên lưới.
Một trong những vấn đề các doanh nghiệp đang rất quan tâm hiện nay là chưa có quyết định của Chính phủ về việc giá bán điện mặt trời áp dụng sau ngày 30/6/2019.
TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, với số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong cả năm; cường độ bức xạ khá cao nên tiềm năng phát triển và khai thác năng lượng mặt trời là rất lớn.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố đã có 3.366 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, với tổng công suất 39,31 MWp, điện năng phát lên lưới là 6,03 triệu kWh. Tuy vậy, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.