EVNHCMC giảm mạnh thời gian mất điện

Năm 2018, thời gian mất điện bình quân khách hàng (Saidi) của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã giảm mạnh, chỉ còn 124 phút (giảm 108,31 phút so với 2017) và “cán đích” trước 2 năm kế hoạch, đứng đầu trong các tổng công ty phân phối của Tập đoàn. EVNHCMC đã làm gì để đạt được kết quả ấn tượng này?

Số hóa quy trình xử lý sự cố

Trước đây mặc dù triển khai công việc rất khẩn trương, tuy nhiên các công đoạn khắc phục sự cố điện vẫn mất nhiều thời gian. Khắc phục tình trạng này, EVNHCMC đã tiến hành số hóa quy trình xử lý sự cố, đồng thời triển khai ứng dụng thiết bị di động trong xử lý sự cố điện cho khách hàng. Theo đó, tất cả các công đoạn từ việc chuyển thông tin, tiếp nhận thông tin giữa Trung tâm CSKH - Phòng điều độ - Công nhân ở hiện trường đều được thực hiện trên internet.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin khách hàng và lưu vào máy tính, các giao dịch viên sẽ chuyển luôn thông tin đến phòng Điều độ qua hệ thống phần mềm. Phòng Điều độ sẽ tiếp nhận và chuyển thông tin đến công nhân đang làm việc ở gần địa chỉ của khách hàng nhất. Mỗi cặp công nhân được trang bị smartphone hoặc máy tính bảng có kết nối internet và định vị để tiếp nhận thông tin từ phòng Điều độ... Sau khi xong việc, công nhân cũng sẽ khóa phiếu trên phần mềm và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới.

Theo quy định của EVN, thời gian xử lý sự cố của khách hàng sẽ không quá 2 giờ kể từ khi tiếp nhận sự cố. Tuy nhiên, hiện EVNHCMC đang phấn đấu giảm thời gian xử lý sự cố cho khách hàng xuống không quá 75 phút, hạn chế tối đa thời gian mất điện của khách hàng. 

Mọi yêu cầu của khách hàng được Trung tâm CSKH chuyển đến các đơn vị qua hệ thống phần mềm, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý sự cố

Tự động hóa lưới điện

Cùng với việc số hóa quy trình tiếp nhận xử lý sự cố điện, ông Luân Quốc Hưng - Trưởng Ban Kỹ thuật EVNHCMC cho biết, Tổng công ty đã thành lập Trung tâm Điều khiển xa, với hạt nhân là hệ thống SCADA/DMS, được đầu tư các trang thiết bị có chức năng hiện đại như: Hệ thống phần cứng, phần mềm có độ dự phòng 1-1; phần mềm được tích hợp với hệ thống thông tin địa lý lưới điện (GIS – Geographic Information System) cung cấp giao diện trực quan sinh động, có các chức năng tính toán tối ưu, tự động hóa lưới điện, quản lý các khu vực lưới điện thông minh. EVNHCMC cũng triển khai điều khiển xa 100% TBA 110 kV không người trực và 80% lưới điện trung thế.

Ông Hưng cho biết thêm, trong bão số 9 năm 2018, tất cả lưới điện cao, trung, hạ thế của EVNHCMC đều được giám sát và điều khiển từ xa tại Trung tâm Điều khiển xa. Với chỉ 4 người trực, EVNHCMC đã điều hành lưới điện an toàn, ổn định và hiệu quả trong thiên tai, nhanh chóng tái cấp điện cho khách hàng. 

Đặc biệt, việc tiên phong trong lĩnh vực sửa chữa điện live-line cũng giúp EVNHCMC giảm thời gian mất điện cho khách hàng. Từ 12 đội sửa chữa điện live- line, năm 2018, Tổng công ty đã tăng lên 16 đội, đáp ứng kịp thời nhu cầu sửa chữa, thi công, bảo trì, bảo dưỡng trên lưới điện mà không cần cắt điện. Riêng năm 2018, EVNHCMC đã tổ chức gần 5.500 lượt thi công live-line.

Một yếu tố không thể không kể đến trong việc góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đó là đầu tư - xây dựng, kiện toàn kết cấu lưới điện. Hiện nay, lưới điện trên địa bàn TP.HCM đã được xây dựng đồng bộ, có dự phòng hợp lý; 100% tuyến đường dây trung thế được kết nối mạch vòng.

Việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của EVNHCMC đã góp phần quan trọng trong việc đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2018 tăng 37 bậc so với năm 2017 và đứng thứ 27/190 quốc gia/nền kinh tế. EVNHCMC đang phấn đấu đến năm 2020, sẽ đưa chỉ số Saidi của Tổng công ty xuống dưới 100 phút. 


  • 01/03/2019 10:36
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 17351