PV: Sau thời gian dài ảnh hưởng do COVID-19, hiện nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã từng bước được khôi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Thực tế này tác động như thế nào đến việc cung cấp điện, nhất là trong mùa nắng nóng, thưa ông?
Ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC
|
|
Ông Lê Văn Trang: Hiện nay, EVNNPC đang bán điện cho 10,86 triệu khách hàng trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong 5 năm qua, Tổng công ty luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất cả nước. Dù vậy, EVNNPC đã luôn đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Năm 2021, dù ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC vẫn đạt 81,831 tỷ kWh, tăng trưởng 9,31%, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong cả nước. Bước sang năm 2022, khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo dự báo hè 2022, phụ tải trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Bắc sẽ tăng trưởng mạnh lên tới ~ 12% - 15% so với năm 2021 và có thể đạt ngưỡng 16.500 - 16.950 MW, trong khi đó nguồn điện bổ sung ở miền Bắc trong năm 2022 là không đáng kể.
5 tháng đầu năm 2022, mặc dù thời tiết khá mát mẻ, nhưng điện thương phẩm toàn tổng công ty vẫn đạt 32,9 tỷ kWh, tăng 6,44% so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương đã tăng trưởng mạnh như: Lào Cai, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa…
Về cơ bản, EVNNPC vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho khách hàng. Tuy nhiên, vào những thời điểm nắng nóng cực đoan, việc cung ứng điện sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hơn, hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm: trưa từ 12h00 - 15h00, tối từ 21h00 - 24h00.
PV: Miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng cực đoan, EVNNPC đã có những giải pháp gì để đảm bảo cung ứng điện ổn định, thưa ông?
Ông Lê Văn Trang: Xác định công tác đảm bảo điện mùa nắng nóng năm 2022 sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ngay từ quý I/2022, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện và xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên. Tổng công ty cũng đã chỉ đạo các công ty Điện lực làm việc với các khách hàng để thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR); đồng thời đề nghị các khách hàng có máy phát dự phòng để sẵn sàng cam kết huy động khi thiếu nguồn hoặc khi mất cân bằng cung cầu.
|
Ngày 21/6/2022, phụ tải miền Bắc đã lập đỉnh đạt mức 14.561 MW, vượt 716 MW so với công suất đỉnh của năm 2021.
Với sự hỗ trợ thực hiện điều tiết công suất của các khách hàng công nghiệp, hệ thống đã giảm lượng tiêu thụ điện khoảng 430MW. Do vậy, cơ bản miền Bắc vẫn được đảm bảo cung cấp đủ điện.
|
Ngay từ cuối năm 2021, tổng công ty đã yêu cầu các công ty Điện lực triển khai đầu tư, cải tạo và nâng cấp đồng bộ hệ thống điện để chuẩn bị sẵn sàng cho cung ứng điện năm 2022, chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, tăng cường các ca trực vận hành để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn trong điều kiện nắng nóng, phụ tải tăng cao.
Tổng công ty cũng phối hợp với các nhà máy thủy điện để tối ưu việc vận hành nhằm huy động công suất cao nhất cho hệ thống điện, đồng thời các công ty Điện lực đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương và các khách hàng lớn trong việc chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, vận động khách hàng tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải bằng cách dịch chuyển thời gian sản xuất từ giờ cao điểm về giờ bình thường, giờ thấp điểm nhằm góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.
EVNNPC cũng tăng cường vận động, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
PV: Thưa ông, vì sao là một doanh nghiệp bán điện, nhưng EVNNPC nói riêng và EVN nói chung vẫn luôn kêu gọi khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Lê Văn Trang: Phải khẳng định rằng, điện là một loại hàng hóa đặc biệt. Và tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung là đã trở thành quốc sách. Từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Việc sử dụng điện tiết kiệm góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Riêng với khách hàng sử dụng điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí hóa đơn tiền điện hàng tháng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp, việc tiết kiệm điện sẽ góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
PV: Ông có khuyến nghị gì với khách hàng trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả?
Ông Lê Văn Trang: Với khách hàng là các doanh nghiệp do giá điện giờ thấp điểm rẻ hơn giờ cao điểm và giờ bình thường. Do vậy, các doanh nghiệp cần bố trí hợp lý các ca sản xuất hoặc các dây chuyền tiêu thụ nhiều điện vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí tiền điện; đồng thời, lắp đặt các hệ thống máy biến tần; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; lắp đặt đèn led trong chiếu sáng…
Với các hộ gia đình, nên sử dụng đèn Led tiết kiệm điện; đóng kín cửa khi sử dụng điều hoà, nên để điều hoà ở nhiệt độ từ 25-28 độ; tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, đóng mở tủ quá nhiều lần; bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên; rút các đồ điện tử ra khỏi ổ điện khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị có công nghệ tiết kiệm điện Inverter; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và gió từ môi trường tự nhiên.
Bên cạnh đó, quý khách hàng có thể liên hệ Tổng đài 19006769 để được tư vấn cụ thể hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!